Eiko Mori, đang sinh sống tại thành phố Kobe (Nhật Bản), bắt đầu nảy ra ý tưởng sáng tạo trên những lát bánh mì từ năm 2017. Là một điều phối viên trong lĩnh vực ẩm thực, cô xem việc nấu ăn và sáng tạo như một phần niềm vui trong cuộc sống và thường cùng con gái làm bánh những khi rảnh rỗi. Các sáng tác trên bánh mì của Mori rất phong phú, từ những họa tiết đơn giản như trái cây, tách cà phê, khuông nhạc... đến những bức tranh nghệ thuật được vẽ trên lớp kem chua. Độc đáo nhất phải kể những món ăn nổi tiếng của Nhật Bản được tạo hình 3D trên bánh mì. "Bánh mì Udon" chính là tác phẩm mà Mori yêu thích nhất, lấy ý tưởng thực tế từ món mì Kitsune Udon của Nhật gồm nước dùng dashi, đậu hũ chiên, bánh cá narutomaki và hành lá bày bên trên. Hình ảnh sợi mì làm nổi tạo cảm giác như được gắp lên khỏi tô. Thành phẩm "Bánh mì Gyoza" được làm từ bánh mì, kem tươi chocolate và kem tươi vị bơ đậu phộng. Mori sử dụng khuôn bánh quy hình hoa giúp tạo hình món ăn, sau đó cắt làm đôi để tạo ra những miếng gyoza (sủi cảo) có hình nửa vầng trăng. Gyoza có vỏ bằng bột mì, phần nhân gồm thịt và rau băm nhỏ trộn chung với các loại gia vị truyền thống. Cô gái tạo hình bánh mì thành món ăn Nhật Bản Người Nhật ăn sủi cảo cùng nước chấm Raayu (hỗn hợp nước đậu tương, giấm và dầu ớt cay). Unaju (cơm lươn nướng) tạo hình trên bánh mì được Mori gọi đùa là "món ngon có chi phí 1/100", với phần cơm làm bằng ruột bánh mì sandwich và phần lươn nướng làm từ nửa trên ổ bánh mì baguette. Sốt lươn thực tế chính là sốt chocolate và bơ đậu phộng, được cô dùng dĩa phết lên mặt "lươn", sau đó trang trí một ít ngò tây trên bề mặt. "Bánh mì Takoyaki" mô phỏng món takoyaki (bánh bạch tuộc nướng) nổi tiếng ở Nhật Bản. Bánh có hình dạng tròn như trái bóng nhỏ, ăn bằng tăm. Qua bàn tay khéo léo, Eiko Mori đã tạo hình những chiếc bánh, nước sốt và dăm cá ngừ khô sống động như thật từ bánh mì. Món Kakigori (kem đá bào Nhật Bản) được Mori thực hiện vào một ngày hè nắng nóng đầu tháng 4. Cô đông đá phần ruột bánh mì, sau đó bào vụn, rưới si rô lên trên để tạo hình đá bào. Phần trên đĩa thoa mật ong lên để tạo cảm giác tráng gương, vậy là hoàn thành món đá bào không lạnh. Mỗi tác phẩm làm từ bánh mì mất khoảng 30 phút để tạo hình. Mori chia sẻ, có nhiều người trên thế giới đã biết đến những tác phẩm của cô và tỏ ra yêu thích chúng. Điều đó làm cô cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và hạnh phúc. "Tôi nghĩ rằng việc sáng tạo trên lát bánh mì có thể trở thành niềm vui cho tất cả mọi người, vì ai cũng có thể dễ dàng mua các nguyên liệu này ở siêu thị và nhìn theo mẫu của tôi để tự tay làm ra tác phẩm của chính mình", Mori chia sẻ. Cô gái Nhật hy vọng những tác phẩm của mình sẽ mang lại nhiều tiếng cười cho người xem, nhất là trong tình hình nhiều người phải ở nhà phần lớn thời gian như hiện nay do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Yến Nhi Ảnh, video: Eiko Mori Chàng trai 'biến' công trình du lịch thành đồ vật bình thường Nghệ nhân gần 70 năm pha trà đạo Nhật Bản Đầu bếp Mỹ làm bánh taco nhân ve sầu 8 món tráng miệng mát lạnh được yêu thích trên thế giới