Đột quỵ là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao và để lại nhiều di chứng nặng nề. Đột xảy ra đột ngột khi sự tưới máu não bị giảm, dẫn đến phần não tương ứng bị hủy hoại. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn phế, liệt nửa người. Các nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, lạm dụng rượu, thuốc lá, chất gây nghiện...
Ngoài việc phòng bệnh và xử lý kịp thời khi có những dấu hiệu xảy ra thì việc chăm sóc dinh dưỡng đúng cách cho bệnh nhân là rất quan trọng. Bác sĩ Trần Thị Thu Liễu, Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM cho biết, bệnh nhân đột quỵ cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, ăn nhiều trái cây, rau quả, ngưng thuốc lá, hạn chế rượu bia, giảm thức uống có hại như trà, cà phê... Ngoài ra cần giảm muối (dùng khoảng 5-6 g một ngày), không ăn thức ăn chế biến sẵn như đồ hộp, thức ăn đông lạnh, thức ăn nhanh, thịt muối...
Một số thực phẩm tốt cho bệnh nhân đột quỵ
Ăn nhiều cá: Mỗi tuần vài 3 lần để thu nhận acid béo hệ omega-3 (có nhiều trong cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích và cá thu), có tác dụng bảo vệ mạch máu.
Rau muống: Chứa nhiều canxi, rất có lợi cho việc duy trì áp lực thẩm thấu của thành mạch và huyết áp trong giới hạn bình thường. Là loại rau đặc biệt thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo triệu chứng đau đầu.
Cà chua: Công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết bình can và hạ huyết áp. Là thực phẩm rất giàu vitamin C và P, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1-2 quả cà chua sống sẽ có khả năng phòng chống cao huyết áp rất tốt, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt.
Tỏi: Công dụng hạ mỡ máu và hạ huyết áp. Hàng ngày nếu kiên trì ăn đều đặn 2 tép tỏi sống hoặc đã ngâm dấm hay uống 5ml dấm ngâm tỏi thì có thể duy trì huyết áp ổn định ở mức bình thường.
Hành tây: Có thể thêm gia vị xào hoặc luộc, kiêng dùng mỡ động vật. Mỗi ngày ăn 100g, dùng cho người chứng bệnh mỡ máu cao, tăng huyết áp.
Bưởi: Trong bưởi có hợp chất naringenin, một chất chống oxy hóa có thể giúp gan đốt cháy lượng mỡ dư thừa. Đồng thời bưởi giúp cải thiện quá trình kiểm soát lượng đường trong máu, làm hạ đường huyết, rất tốt cho những người mắc bệnh tim mạch hay béo phì.
Dưa hấu: Thanh nhiệt và lợi niệu khá tốt, từ đó giúp cho huyết áp được ổn định. Người ta còn dùng vỏ dưa hấu 12g và thảo quyết minh 12 g sắc uống thay trà hàng ngày.
Táo: Chứa nhiều kali, có thể kết hợp với lượng natri dư thừa để đào thải ra bên ngoài, giúp cho cơ thể duy trì huyết áp ở mức bình thường. Mỗi ngày nên ăn 3 quả hoặc ép lấy nước uống 3 lần, mỗi lần chừng 50ml.
Nho: Rất tốt cho người bị cao huyết áp, kể cả nho tươi hoặc nho khô, vì trong thành phần có chứa nhiều muối kali nên có công dụng hạ huyết áp, lợi niệu và bồi phụ lượng kali mất đi do dùng các thuốc lợi tiểu Tây y.
Chuối tiêu: Thanh nhiệt, lợi niệu, thông tiện và hạ huyết áp. Mỗi ngày nên ăn từ 1-2 quả, hoặc dùng vỏ quả chuối tiêu tươi 30-60g sắc uống thay trà.
Sữa đậu nành: Là đồ uống lý tưởng cho người bị cao huyết áp, có công dụng phòng chống vữa xơ động mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và giáng áp. Mỗi ngày nên dùng 500 ml sữa đậu nành pha với 50 g đường trắng, chia uống vài lần trong ngày.
Nấm linh chi xay nhỏ: Hãm uống ngày 10 g, nấm linh chi không độc nên có thể dùng lâu dài.
Lá sen 50 g: Mỗi ngày sắc uống, dùng cho người mỡ máu cao.
Sơn trà 10 g, hoa cúc 10 g, quyết minh tử 10 g: Sắc nước uống thay trà, dùng cho người mỡ máu cao, kèm huyết áp cao.
Một số lưu ý với bệnh nhân đột quỵ
- Sử dụng thuốc điều trị một số yếu tố nguy cơ chính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hoặc để điều hòa tuần hoàn não, nâng cao thể trạng… phải tùy theo từng trường hợp dưới sự chỉ định, khuyến cáo, theo dõi của thầy thuốc.
- Phải uống thuốc đều đặn, không được tự ý ngưng thuốc.
- Có sổ tay theo dõi bệnh và tái khám định kỳ.
- Nhanh chóng đến các cơ sở y tế khi có một trong những dấu hiệu báo động của cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ.
Lê Phương