Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị về đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/10.
Đột quỵ là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật, xếp hàng thứ 3 về bệnh gây tử vong, sau ung thư và tim mạch. Theo giáo sư Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ Thế giới, mỗi năm toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong. Hơn 2 thập kỷ qua, gánh nặng của đột quỵ đã tăng 26%. Trên 80% trường hợp xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - nơi đột quỵ được coi là một đại dịch.
“Ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á khác, tỷ lệ chảy máu não cao hơn nhiều so với phương Tây, gây nên tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao”, giáo sư Stephen nói.
Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm so với trước kia nhưng số người bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng. Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Nếu bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ, và được điều trị thuốc làm tan huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan.
Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Văn Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chỉ có khoảng dưới 1% bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đúng cách trước khi đến bệnh viện. Kiến thức về "giờ vàng" (3-4 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ) đối với bệnh nhân không phải ai cũng nắm được. Trong đào tạo y khoa cũng không có chuyên khoa về đột quỵ nên phần lớn bác sĩ ra hành nghề rồi mới tích lũy kiến thức.
Theo các chuyên gia, những hậu quả mà bệnh để lại vô cùng nặng nề. Chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam về chi phí điều trị, song cứ một bệnh nhân đột quỵ ở mức độ tàn tật trung bình nghĩa là mất đi một lao động. Nếu di chứng nặng phải phụ thuộc người khác thì gia đình sẽ phải mất thêm một người chăm sóc. Như vậy, người bệnh đột quỵ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nếu biết phòng và điều trị đúng cách, hậu quả xấu có thể giảm đi nhiều.
Để phòng chống, xử trí bệnh nhân đột quỵ hiệu quả, bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện điều trị sớm và điều trị chuẩn. Bệnh hay bị tái phát, lần sau thường nặng hơn lần trước. Vì thế, nguyên tắc chủ đạo của chăm sóc đột quỵ là phát hiện và chẩn đoán sớm, điều trị đợt cấp, dự phòng biến chứng, vận động sớm và phục hồi chức năng.
Cách tốt nhất là phòng ngừa và tránh tái phát. Người bệnh không hút thuốc hay uống nhiều bia rượu, phải chăm chỉ tập thể thao, chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học… Hạn chế ăn quá nhiều chất đạm và béo. Khi trời lạnh, cần mặc ấm, không tiếp xúc với thời tiết lạnh một cách đột ngột. Nếu thấy các dấu hiệu: chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, tê bì các chi, nửa người thì phải đi cấp cứu.
Nam Phương