Cuối năm 2021, cộng đồng rúng động vụ việc người mẹ kế hành hung đứa con chồng đến tử vong ở Sài Gòn. Nhiều người mong kẻ thủ ác sẽ bị trừng trị; trong khi một số khác mong bé được giải thoát để sớm luân hồi.
Trong cuộc sống, đâu đó ta cũng thường gặp lại cảnh tượng đứa trẻ hàng xóm và cả trong gia đình bị người thân đánh đập, mắng chửi; học sinh bị khẻ tay, đánh mông vì tiếp thu bài chậm, phạm lỗi...
Các bé tiểu học đã được giáo dục về quyền trẻ em ở trường, nhưng phải chăng chính những người liên quan nhất lại mâu thuẫn với quá trình thực hiện quyền cho bé? Phải chăng người ta đánh đập, mắng chửi con cháu họ, chính là phản ứng vô thức từ việc chứng kiến hay trải qua nạn bạo hành tương tự? Phải chăng đánh trẻ con (dù có hay không có lý do) là chuyện bình thường?
Bản thân tôi cũng bị người thân bạo hành nhiều năm ngay từ thuở thiếu thời. Đến nỗi, lúc nhỏ, tôi đã khắc lời thề trả thù khi trưởng thành lên tấm ván gỗ để mình không được quên, và để làm động lực hướng đến mục tiêu này.
Ngày tháng trôi qua, dư âm của nạn bạo hành đã biến đổi bản thân tôi mãi mãi theo hướng khác với những người bình thường. Khi người thân qua đời, tôi vẫn đi làm bình thường, cho đến khi người nhà kêu tôi xin nghỉ để đưa tang. Suốt thời gian đó, tôi không rớt một giọt nước mắt, thậm chí, tôi tự nhắc nhở mình không khóc, không có gì để khóc.
>> Tôi bị thầy giáo phạt đứng trên tổ kiến vàng
Vậy mà có lần khi tôi xem phóng sự về cuộc chiến xưa, mắt tôi lại rưng rưng khi nghĩ về số phận của những bà mẹ đã hiến dâng tất cả mọi thứ cho cuộc chiến, những người thanh niên đã hy sinh tuổi thanh xuân vì lý tưởng chung.
Thời gian thoi đưa cho đến một ngày tôi tự hỏi mối hận xưa có còn không? Nếu người thân đó vẫn tại thế, tôi sẽ thực hiện lời thề trả thù? Thực tế là không có "nếu như", tôi cần tha thứ cho bản thân mới có thể thoát ra quá khứ.
Muốn vậy, tôi cần tha thứ cho người thân của mình, cần bao dung và rộng lượng với những sự hẹp hòi và ích kỷ xung quanh để tiến lên phía trước. Thế là tôi đã rơi nước mắt, đã khóc thật sự cho người thân đã ra đi được vài lần kèm một chút tiếc nuối, một chút hối hận.
Chợt tôi nhận ra đã từ lâu tôi không khóc, vì tôi mặc định rằng nước mắt mình đã cạn khô sau lúc nhận đòn roi. Chợt tôi thấy mình thanh thản hơn, nhẹ nhõm hơn. Chợt tôi tự chấp nhận quá khứ như là một sự thật không thể thay đổi, chứ không phải cố gắng che lấp, cố gắng quên như chưa từng xảy đến mình.
Vết hằn bạo hành trong tôi vẫn chưa mất đi, nhưng nó dần phai phôi theo thời gian. Lời cuối, nếu bạn có dịp đọc qua bài cảm nhận này, xin hãy luôn nhắc nhở chính mình rằng: Đánh trẻ con là hành động không bình thường.
Henry Huynh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.