Người Việt di cư đến các nước khác nhau rất nhiều. Vì vậy người Việt thường hay đưa những cái hay của nước khác về nước mình.
Có nhiều người khi nghe nói về những nước khác họ làm cái này cái kia hay thế nào thì lại bực tức, nói rằng đây là hội chứng cuồng Mỹ/ Nhật/ Pháp/ Tây... Lại có người nói rằng những điều hay ở nước người không phù hợp với nước ta, vì "truyền thống khác".
Nước nào cũng có những vấn đề riêng của mình. Nước Mỹ thì đang gặp phải vấn đề súng đạn, họ liên tiếp bị các vụ xả súng làm chết nhiều người nhưng chẳng có cách nào cấm súng đạn. Người Nhật thì làm việc tới kiệt sức, khiến cho nhiều người không có thời giờ hẹn hò và tỷ lệ sinh giảm cùng nhiều hệ lụy về sức khỏe.
Không có người Việt nào lại kêu gọi người Việt dùng súng ống, làm việc tới kiệt sức hay biểu tình đình công liên miên. Đó là những việc xấu ở nước người, ai có chút suy nghĩ đều biết là không nên "học hỏi" mấy điều đó.
>> 'Nhiều người Việt ngại nói về tình dục nhưng ùn ùn xin clip nóng'
Người Việt khi đọc các chia sẻ về những cái mà nước người làm tốt thì đừng vội chỉ trích với câu quen thuộc "không phù hợp với truyền thống Việt". Ở mặt khác, nhiều khi người Việt đang chà đạp lên truyền thống nứơc mình mà không hay.
Như việc người lớn đối xử với trẻ em chẳng hạn. Có người nói là không nên trêu chọc trẻ, không nên giật đồ vật trẻ cầm trên tay, nên chủ động chào hỏi trẻ... thì có người nói rằng điều đó không đúng với truyền thống của người Việt. Truyền thống của người Việt là "kính trên nhường dưới". Làm những việc như vậy chưa chắc đã giúp trẻ "kính trên". Nhưng những người lớn trêu trẻ như trên chắc chắn đã không "nhường dưới".
Hay việc thầy cô đánh học trò chẳng hạn. Giáo dục đơn giản là "thầy làm mẫu, học sinh làm theo". Khi thầy đánh trò thì học sinh sẽ học được nguyên xi bài học là "thầy được đánh trò". Bài học này được học sinh phát huy tác dụng một cách rõ rệt. Cụ thể là họ quả quyết rằng thầy được đánh trò, tức bê nguyên xi cái mà họ học được để áp dụng vào đời sống của họ mà chẳng suy nghĩ xem nó có đúng hay không.
Cũng có người nói rằng nhờ bị đánh mà họ thành đạt nên người. Người Việt Nam trong tuổi trưởng thành hiện nay đa phần chắc là đều đã bị đánh khi lớn lên. Nhưng hiện giờ thì sao? Ngoài đường thì người vi phạm giao thông đầy ra, rác được vứt khắp nơi, hàng quán thì chặt chém... Cách giáo dục đánh đập hình như chỉ sản xuất ra những người thành đạt nên người trên mạng, chứ ngoài đời thì cần phải xem lại.
>> 'Không roi vọt, giáo viên rất khó dạy dỗ học sinh hư hỏng'
Giáo dục đánh đập cũng được xây dựng trên lý thuyết "kính trên nhường dưới" nhưng nó lại trở thành "sợ trên hiếp dưới". Các bạn ở tuổi trưởng thành giờ chắc chắn chẳng dám chỉ ra cái sai của sếp, còn sếp thì tha hồ hiếp đáp nhân viên. Ở mặt khác, nhiều người trưởng thành giờ vẫn thích đánh đập con trẻ, bởi vì họ chỉ dạy được thế. Có bao nhiêu người Việt được dạy cách giáo dục con cái đâu, mọi thứ đều theo "kinh nghiệm" xưa cả.
Cho nên khi nghe ai nói rằng người khác tốt thì mình nên tới xem họ thế nào, suy nghĩ xem họ làm thế có tốt lành gì không, và nếu tốt thì học hỏi. Thói quen dùng những từ "bắt tai bắt mắt" như cuồng Nhật cuồng Mỹ hay "truyền thống tốt đẹp" mà không suy nghĩ trước khi chỉ trích là hậu quả của cách giáo dục đánh đập mà nhiều người vẫn còn bị ảnh hưởng.
Chỉ trích là đưa ra những lý lẽ để phản bác một luận điểm chứ không phải là lời chỉ trích chung chung mang màu sắc phân loại chụp mũ. Nếu bạn tin rằng người lớn nên trêu chọc trẻ theo kiểu "ba mày sắp bỏ mẹ con mày rồi đó" thì nên chỉ ra là việc này tốt như thế nào, bởi nó giúp trẻ nhận ra sự tàn nhẫn của con người... chẳng hạn.
Tất nhiên lý lẽ vừa đưa ra không hợp lý chút nào. Nếu bạn chịu khó tìm ra tác dụng tốt của việc trêu chọc trẻ thì bạn sẽ nhanh chóng biết là điều đó có tốt hay khong. Tương tự, khi đứng trước một quan điểm, bạn nên đặt ra câu hỏi xem nó tốt ở chỗ nào và bạn sẽ có thể phản biện đầy sắc sảo hay đồng ý và học hỏi những điều hay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh