Công bố trên của Moderna vào ngày 8/10 được xem như một động thái cho phép các nhà sản xuất thuốc khác phát triển các mũi tiêm bằng công nghệ của họ.
Moderna không khẳng định quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ vaccine của mình và gửi đơn xin cấp bằng sáng chế sau khi đại dịch thực sự chấm dứt. Cùng ngày, hãng dược nhận khoản hỗ trợ từ Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA) trị giá 56 triệu USD để phát triển các đơn vị sản xuất di động, nhằm sản xuất nhanh vaccine và thuốc trị liệu.
Moderna hiện là một trong những đơn vị tiến xa nhất trong cuộc đua vaccine nCoV giữa các hãng dược Mỹ. Công ty này trước đó đã nhận gói tài trợ hơn một tỷ USD từ chính phủ để phát triển và sản xuất "ứng viên" vaccine. Ngoài ra, Moderna còn nhận gói 1,5 tỷ USD khác, nhằm phục vụ cho quá trình phân phối và cung cấp cho công dân tại Mỹ.
Trước động thái trên, ngày 9/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thể hiện sự ủng hộ và hoan nghênh hành động này của Moderna. Mặt khác, hãng dược Mỹ dự kiến sẽ nộp đơn xin phê duyệt vaccine nCoV của mình cho cơ quan quản lý tại châu Âu.
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu vào đầu tuần này đã đưa ra các đánh giá thời gian thực về vaccine Covid-19 của Pfizer và BioNTech, sau một thông báo tương tự trước đó dành cho AstraZeneca. Quyết định được Moderna đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu đưa ra các đánh giá tổng hợp về những "đối thủ" vaccine khác. Đánh giá thời gian thực có thể giúp đẩy nhanh quá trình phê duyệt vaccine thành công, bằng cách cho phép các nhà nghiên cứu gửi kết quả trong thời gian thực mà không cần đợi những nghiên cứu kết luận.
Moderna cho biết đang đàm phán với các nước châu Âu và sẽ gửi dữ liệu thử nghiệm vaccine để xin xét duyệt. Các dữ liệu này cũng được dự định trình Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để được cấp phép lưu hành trên lãnh thổ nước nhà.
Thy An (Theo Reuters)