Chiều ngày 14/3, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sửa các quy định với khách du lịch quốc tế, gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trước ngày 15/3 để hoàn thiện và công bố phương án mở lại hoạt động du lịch".
Những quy định còn chưa thống nhất tại Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của du khách quốc tế. Họ lo nghĩ rằng không biết ngày đó, khi đặt chân lên mảnh đất hình chữ S họ có được tự do du lịch hay không, hoặc test nhanh hay phải test PCR là quy định đang hiện hành ở Việt Nam.
Việc du lịch không giống như việc đi chợ mua tôm, mua cá mà nó cần sự lên kế hoạch từ trước cho chuyến đi. Lên kế hoạch cho việc đặt chỗ lưu trú, di chuyển và chi phí du lịch.
>> Ai sẽ lên chơi khi Đà Lạt thập cẩm?
Việc thay đổi các chính sách như Bộ Y Tế thắt chặt quy định, không chấp nhận kết quả test nhanh và du khách không rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sẽ rất dễ khiến du lịch cân nhắc việc đến Việt Nam du lịch.
Nói cách khác, việc thay đổi quy định tác động đến tâm lý du lịch của du khách quốc tế cũng đổi thay.
Trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia mở cửa du lịch quốc tế. Rõ nét hơn là hai nước láng giềng Thái Lan và Indonesia đã mở cửa du lịch từ sớm. Nhưng họ cũng phải nhiều lần điều chỉnh quy định để có được sự thông thoáng và chắc chắn như hiện nay nhưng những văn bản điều chỉnh ấy đều có khuynh hướng mở, lấy du khách quốc tế làm tiền đề để tạo cho du khách cảm giác dễ chịu và lạc quan hơn.
Trái ngược lại, Việt Nam đang có những sự thay đổi chưa thật sự mang tính thoải mái cho du khách hơn mà thay vào đó là những quy định mang tính chất khiến du khách hoang mang. Cần phải đặt du khách quốc tế là trọng điểm của việc mở cửa, để đồng cảm được tâm lý của du khách, họ không những cần sự an toàn mà còn là sự an tâm khi đi du lịch tại Việt Nam.
Đã mở cửa du lịch thì phải mạnh dạn như phát biểu của ông Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y Tế dự phòng. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra số liệu 99,7% là ca nhiễm trong nước và 0,3% là của người nhập cảnh.
Con số đó nói lên được rằng không còn lo ca nhiễm từ quốc tế vào Việt Nam và cần tránh mang tư tưởng du khách quốc tế mang virus vào Việt Nam. Nếu đứng trên khía cạnh của du khách quốc tế, họ cũng có lý do để lo sợ rằng bị nhiễm Covid-19 khi du lịch tại Việt Nam khi số ca nhiễm tại Việt Nam đang ở mức trên dưới hai trăm ngàn ca mỗi ngày.
Đã mở cửa du lịch thì không nên có trường hợp phân biệt giữa khách du lịch quốc tế với khách du lịch nội địa, cần phải bình đẳng hoá, không phân biệt để làm thoả mãn nhu cầu du lịch và quan trọng hơn hết là cần sự đồng bộ, tránh mỗi nơi làm mỗi kiểu gây hoang mang cho du khách.
>> Sao cứ bắt Đà Lạt phải cũ kỹ như mấy chục năm trước?
Việt Nam luôn là quốc gia được đánh giá là điểm đến du lịch hấp dẫn nhờ có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng hoá về hình thức du lịch. Vì thế, tôi mong rằng sự thống nhất của các quy định sẽ làm trấn an tâm lý của người đi du lịch cũng như là tâm lý của người làm du lịch.
Người làm du lịch sẽ mạnh dạn đầu tư, nâng cấp, phục hồi hơn nhằm giúp thu hút du khách quốc tế trở lại Việt Nam và mang hình ảnh du lịch Việt Nam đến bạn bè năm châu.
Tôi tin chắc rằng, ngày 15/3 chúng ta mới kịp hoàn thành văn bản đối với việc nhập cảnh du khách quốc tế sẽ làm mất đi một lượng khách nhất định trong tháng 3 này.
Các biện pháp mở cửa chúng ta tuy chậm nhưng không phải muộn, ngành du lịch Việt Nam luôn có những lợi thế nhất định, dù mở cửa sau nhưng khi đã có chính sách cởi mở, dễ tiếp cận sẽ vẫn là bước tạo đà tốt cho ngành du lịch trong giai đoạn bình thường mới, thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19.
Đinh Vũ Hoàng Tuấn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.