Trưa 12/10, rất đông người dân tập trung tại trường tiểu học Cái Khế 1, quận Ninh Kiều, để tiêm vaccine. Sau khi tiêm xong mũi một, bà Trần Thị Kim Phượng, 62 tuổi cho biết cảm giác yên tâm hơn trước nguy cơ dịch bệnh, có thể an tâm sinh sống, làm ăn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, địa phương có 283.000 dân, nhiều nhất trong 9 quận, huyện của TP Cần Thơ. Trong số này gần 70% đủ điều kiện tiêm vaccine. Đến nay, hơn 20% người dân ở quận tiêm mũi một, trên 8% tiêm đủ 2 mũi. Mỗi ngày quận tiêm 8.000-10.000 người, phần lớn là vaccine Vero Cell.
Cần Thơ có khoảng 1,2 triệu dân, trong số này hơn 940.000 người từ 18 tuổi trở lên, đủ điều kiện tiêm vaccine. Đến 11/10, Cần Thơ đã tiêm vaccine cho 431.957 người, đạt 26,8%, trong số này có 99.597 trường hợp được tiêm đủ 2 mũi. Cùng ngày, thành phố phân bổ 500.000 liều Vero Cell và gần 40.000 liều Pfizer về cho các quận huyện để đẩy nhanh tiêm cho người dân. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 12, mỗi ngày thành phố tiêm ít nhất 36.000 liều.
Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, ngoài các nhóm ưu tiên, thành phố đẩy mạnh tiêm cho lực lượng lao động nhằm sớm khôi phục hoạt động kinh doanh, sản xuất trên địa bàn. Sau đợt tiêm chủng này, tỷ lệ bao phủ vaccine theo độ tuổi được tiêm của thành phố đạt 60%. Đây là điều kiện quan trọng để thành phố sớm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.
TP Cần Thơ là một trong địa phương ở miền Tây tăng tốc tiêm cho người dân sau khi được Trung ương phân bổ vaccine. Với khoảng 20 triệu dân, chiếm gần 1/5 dân số cả nước nhưng đến nay khu vực này có tỷ lệ người tiêm mũi một khá thấp, chưa tới 30%. Có tỉnh tỷ lệ người tiêm mũi một chỉ đạt 14%. Trong khi đó, từ đầu tháng 10 đến nay, khu vực này đón hơn 300.000 người từ các vùng dịch phía Nam về quê, nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
Là địa phương có lượng người về quê rất lớn trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch tổ chức tiêm 500.000 liều vaccine cho người dân. Thời gian thực hiện tiêm mũi một bắt đầu từ 11/10 đến 20/10 và tiêm mũi 2 từ 2/11 đến 15/11.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết địa phương khẩn trương tiêm chủng rộng khắp trên địa bàn, trong đó tập trung 2 địa phương nhiều ca nhiễm, nguy cơ cao là huyện Vĩnh Châu và Trần Đề. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh... nhằm sớm phục hồi kinh doanh, sản xuất, sớm ổn định đời sống người dân.
Tại Trà Vinh, ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế tỉnh này cho biết, với 500.000 liều vaccine Vero Cell vừa được Bộ Y tế phân bổ, địa phương đã huy động lực lượng, tổ chức nhiều đội tiêm từ cấp tỉnh đến cơ sở để đảm bảo đúng tiến độ.
Theo đó, mỗi xã, phường, thị trấn lập 2 đội tiêm; mỗi huyện, thành phố Trà Vinh 10 đội, của tỉnh là 20 đội... "Mỗi đội khoảng 5 người, tiêm chủng diện rộng, đẩy nhanh độ phủ vaccine cho người dân càng sớm càng tốt", ông Kha nói và cho biết ưu tiên tiêm cho lực lượng công nhân, người lao động để họ quay trở lại sản xuất.
Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh cho biết trong các đợt phân bổ trước đây, tỉnh đã tiếp nhận khoảng 203.000 liều vaccine các loại. Toàn tỉnh có hơn 765.000 người dân từ 18 tuổi trở lên, trong đó hơn 160.000 người (tỷ lệ 21%) tiêm mũi một, hơn 53.000 người (tỷ lệ 7%) tiêm mũi 2.
Đồng Tháp cũng được phân bổ 500.000 liều Vero Cell cách đây 4 ngày nâng tổng số vaccine tỉnh nhận lên một triệu liều. Ngành y tế đang tăng tốc tiêm vaccine mỗi ngày 40.000-50.000 liều. Nhóm ưu tiên tiêm đợt này là người lao động kể cả người từ các tỉnh Đông Nam Bộ vừa hồi hương, đáp ứng việc sớm mở cửa sản xuất, kinh doanh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, ngoài trạm y tế xã, các huyện, thị còn mở rộng thêm nhiều điểm tiêm tại UBND xã, trung tâm học tập cộng đồng, trường học, đảm bảo giãn cách. "Công tác khám sàng lọc, tiêm vaccine do nhân viên y tế thực hiện, còn khâu ghi nhận thông tin, nhập dữ liệu được cán bộ cơ sở tiến hành, giúp rút ngắn thời gian tiêm", ông Bửu nói.
Tại An Giang, một trong những tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine thấp vừa được Bộ Y tế phân bổ thêm một triệu liều vaccine Vero Cell. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết đợt tăng cường này giúp địa phương tăng độ phủ vaccine ngay thời điểm quan trọng.
"Người lao động ở nhà máy xí nghiệp, tiểu thương rất cần vaccine để trở lại sản xuất, kinh doanh. Chưa kể cần tăng tốc tiêm cho các khu vực nguy cơ, địa bàn biên giới, kể cả hơn 50.000 người lao động vừa hồi hương", ông Bình nói.
An Giang có gần 1,4 triệu người từ 18 trở lên. Tính đến ngày 10/10, khoảng 24% dân số của tỉnh đã tiêm mũi một, tỷ lệ tiêm mũi 2 chỉ 10%.
Huy Phong - Ngọc Tài