12h ngày 23/9, tại chốt kiểm soát đầu vào thị trấn Tân Thạnh (tỉnh Long An) trên quốc lộ N2, chị Nguyễn Thị Bích (27 tuổi, quê An Giang) khệ nệ ôm bụng bầu ngồi nghỉ mệt trên ghế nhựa trong quán cà phê võng đang ngưng bán. Kế bên chị, hai đứa con trai 8 tuổi và 2 tuổi hồn nhiên nằm võng, chơi game trên điện thoại.
Bốn tháng trước, chị Bích để chồng ở lại quê, dắt theo hai đứa con nhỏ đến huyện Thủ Thừa (Long An) thuê nhà trọ bán hàng rong. Mới bán được hơn một tháng, đợt dịch thứ 4 bùng phát, chị thất nghiệp, trong túi không còn tiền, ba mẹ con sống nhờ cơm từ thiện của các nhóm hỗ trợ.
Mấy hôm nay, do gần đến ngày sinh, chị đăng ký xe đồng hương để về quê nhưng không được. 5h sáng nay, chị đánh liều chở hai con nhỏ bằng xe máy chạy hơn 50 km đến chốt Tân Thạnh. Tại đây, chị được cán bộ giải thích ngành chức năng đang liên hệ với chính quyền địa phương nơi chị ở, họ nhận thì chị mới được qua.
Trong khi chờ giải quyết, chị Bích cùng hai con nghỉ tạm tại quán cà phê. "Còn 2-3 tuần nữa sinh rồi mà giờ bị kẹt lại đây, không biết khi nào mới về được về tới nhà", chị Bích rưng rưng nói.
Kế bên chị Bích, Nguyễn Chí Nguyên (21 tuổi, quê Đồng Tháp) cùng hai em trai sinh đôi 18 tuổi đang ngồi trên kệ trưng bày đồ tại quán cà phê thì bị chủ quán quát lớn, do lo sợ kệ bị hư. Ba anh em liền xách balô vào trụ sở Công an xã Kiến Bình sát bên quán ngồi nghỉ tạm.
Ba anh em Nguyên làm công nhân may giày tại huyện Đức Hòa, do dịch bùng phát, họ thất nghiệp, bị chủ trọ liên tục đuổi. Do đã tiêm đủ hai mũi vaccine, Nguyên cùng hai em nghĩ sẽ được qua chốt, từ 5h sáng họ đã đi trên hai xe máy về quê nhưng bị từ chối cho qua.
Cũng làm thợ hồ tại Đức Hòa, 3 tháng nay, vợ chồng anh Phan Văn Thiên (44 tuổi, quê Đồng Tháp) thất nghiệp, phải vay mượn anh em để sống tạm qua ngày. Tại quê nhà, anh Thiên còn mẹ già hơn 80 tuổi, hai con 12 tuổi và 17 tuổi. Mấy hôm nay, giáo viên của đứa con trai út học lớp 5 liên tục gọi hối đưa cháu về học online. Lo con không kịp lịch học, vợ chồng anh bấm bụng khăn gói về quê. Đến đây từ 6h, hai vợ chồng đã có "thẻ xanh Covid", nhưng vẫn phải ở lại chốt chờ thủ tục.
Đến trưa, anh Thiên cùng với hơn 30 người khác, chủ yếu quê Đồng Tháp, kẹt tại chốt được cán bộ chốt hỗ trợ cơm, nước. "Mong nhà nước tạo điều kiện cho về quê, có cháo ăn cháu, có rau ăn rau chứ như bây giờ khổ quá rồi", anh Thiên nói.
Cách đó 10 km, hàng chục người làm công nhân tại Long An, sau khi được chốt huyện Tân Thạnh cho qua, bị kẹt lại tại chốt ở thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp). Dọc hai bên đường, nhiều xe máy của họ chở lỉnh kỉnh đồ đạc, thức ăn nhanh. Trên các bụi cỏ ven đường, nhiều tấm chiếu, chăn bạt nằm vương vãi.
Ngồi buồn phía bên trong căn lều bạt tại chốt, ông Nguyễn Hữu Thắng (quê huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) cố chợp mắt sau một đêm dài không ngủ.
Ông Thắng cùng vợ làm nghề mộc ở thị trấn Thủ Thừa. Sau khi bị nhiễm Covid-19 điều trị khỏi có giấy xác nhận, từ 21h hôm qua, vợ chồng ông đi xe máy về quê, được chốt Long An cho qua. Tuy nhiên, khi đến chốt tại thị trấn Mỹ An thì họ cùng nhiều người bị chặn lại. Buổi tối, hơn chục người đỗ xe máy ven đường, trải bạt nằm ngủ, riêng ông Thắng vì lo lắng nên chỉ ngồi ghế trong chốt đến sáng.
Mấy ngày nay, thấy người dân về quê bị kẹt lại tại chốt, ông Mai Văn Đời (51 tuổi) sống ở gần đó đã nấu cơm, đem mì tôm, nước sôi đến tiếp sức. "17 tuổi tôi đã đi ở đợ cho người ta, nên giờ thấy ai khổ sở tui thấy thương", ông Đời nói.
Ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh cho biết, hai ngày qua, sau khi Long An và một số nơi tại TP HCM nới lỏng giãn cách, lượng người đổ về quê rất đông. Huyện này giáp ranh với hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với 3 chốt kiểm soát.
Theo thống kê, mỗi ngày tại các chốt trên quốc lộ 62, N2 qua địa bàn huyện có trên 2.000 xe máy đổ về quê, đa phần là người dân Đồng Tháp và các tỉnh miền Tây. Qua kiểm tra, có người đã tiêm đủ 2 mũi, một số tiêm một mũi, nhiều trường hợp chưa tiêm vaccine. Một số người qua test nhanh nghi nhiễm Covid-19. "Hôm nay, do bên phía Đồng Tháp không cho người dân qua chốt, dẫn đến lượng người dân bị ùn ứ lại tại huyện rất nhiều", ông Đông nói.
Theo Chủ tịch huyện Tân Thạnh, chỉ riêng đêm qua, có khoảng 200 người sau khi bị chốt phía Đồng Tháp từ chối, đã tản ra các nơi, chỉ còn khoảng 30 người ở lại chốt huyện Tân Thạnh. Nhận định người dân trong túi đã hết tiền, cũng không thể quay về nơi ở trọ, địa phương đang liên hệ với phía Đồng Tháp và một số tỉnh Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang để tạo điều kiện cho họ về nhà. Các trường hợp chưa được các tỉnh tiếp nhận, huyện đang xin ý kiến tỉnh đưa họ vào khu cách ly.
Bà Trần Thị Quý, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, chủ trương tỉnh Đồng Tháp chưa đón người dân từ ngoài tỉnh về tự do, vì tỉnh đang nỗ lực kiểm soát dịch. Tỉnh chỉ tổ chức đón về từng đợt theo kế hoạch như vừa đón những người kẹt ở TP HCM.
Theo bà Quý, hôm qua, tại cửa ngõ quốc lộ N2 vào địa bàn huyện có nhóm lao động từ Long An xin về quê. Nhóm này đi có kế hoạch, các địa phương trong tỉnh cũng đồng ý tổ chức đón về đưa đi cách ly, nên họ được qua chốt. "Khi hay tin họ được về thì tiếp tục có nhiều nhóm khác tự về, tôi có xin ý kiến của tỉnh nhưng hiện tại điều kiện tỉnh chưa thể tiếp nhận vì quá tải. Người dân chịu khó quay lại, chờ các đợt tỉnh tổ chức rước về sau", bà Quý nói.
Hoàng Nam – Ngọc Tài