Tại An Giang, hai ngày qua hơn 7.000 người chạy xe máy về. Dòng người hồi hương còn đông tại các cửa ngõ vào tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết địa phương huy động tối đa công suất cách ly 10.000 chỗ nhưng hiện đã đầy. Hôm qua người về quá đông khiến nhiều lực lượng chức năng thức trắng đêm, phân luồng, test nhanh, hộ tống người dân đến nơi cách ly.
Theo người đứng đầu chính quyền An Giang, dòng người nếu tiếp tục về sẽ quá sức chịu đựng của tỉnh, đồng thời nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. "TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... đã mở cửa, những hoạt động sản xuất cũng phục hồi. Các địa phương này cũng kêu gọi lao động hãy ở lại. Về quê lúc này là cực kỳ khó khăn cho quê nhà", ông Bình nói.
Theo quy định của An Giang người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả PCR âm tính cách ly tại nhà, dưới sự giám sát của địa phương. Những trường hợp còn lại phải cách ly tập trung, người dân tự trả phí cách ly và xét nghiệm. Trong số 7.000 người về quê qua test nhanh phát hiện hơn 10 ca mắc Covid-19.
Song song với việc đón người, hiện tỉnh phải tập trung nguồn lực khống chế các ổ dịch ở địa bàn. Hôm qua tỉnh phát hiện 142 ca nhiễm, trong đó 37 ca cộng đồng tại 6/11 huyện, thành phố, nâng tổng số ca nhiễm ở địa bàn lên 5.039 ca.
Tỉnh kế bên là Đồng Tháp hai ngày qua có gần 3.000 người về quê, phát hiện 14 ca mắc nCoV qua test nhanh. Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh gấp rút chuẩn bị chỗ cách ly cho người dân tự về quê. Tuy vậy dòng người tiếp tục đổ về sẽ vượt khả năng cách ly của địa phương.
Theo ông Bửu, dù chưa có chủ trương tiếp nhận người về quê tự phát nhưng với dòng người về đợt này tỉnh vẫn đón. Ông cũng khuyên sắp tới người dân không nên về quê tự phát ồ ạt vì khả năng cách ly của tỉnh có hạn. Những trường hợp quá bức bách như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, tỉnh sẽ tổ chức đón theo từng đợt, để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trước thời điểm dòng người ồ ạt về quê, các khu cách ly của Đồng Tháp chỉ bố trí thêm được 3.500 người trong tổng số gần 5.000 chỗ nhưng có đến 8.000 người dân từ các tỉnh, thành phố đã đăng ký về quê. Thực tế, con số lớn hơn vì tỉnh có 100.000 người dân xa xứ.
Tại Trà Vinh, từ tối 1/10 đến nay lượng người về quê rất đông. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh Kiên Sóc Kha cho biết, từ hôm qua đến trưa 2/10, tỉnh tiếp nhận khoảng 2.000 người. Đa số người về từ vùng dịch nên phải đưa vào các khu cách ly tập trung. Trong số này, tỉnh phát hiện 8 trường hợp dương tính với nCoV.
"Hiện trên cầu Cổ Chiên còn khoảng 800 người chờ tiếp nhận", ông Kha nói và cho biết địa phương rất lo lắng vì nếu lượng người này không được kiểm soát tốt nguy cơ tái bùng phát dịch rất lớn; trong khi khả năng điều trị tối đa của tỉnh chỉ khoảng 1.100 F0.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói trong tình huống này phải nhận người dân về tỉnh nhưng hiện các khu cách ly tập trung đã quá tải. Nhiều trường học đã phải trả cho ngành giáo dục để chuẩn bị đón học sinh trở lại. Địa phương phải trưng dụng các nhà văn hoá, trung tâm thể thao... bố trí cách ly.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Uyên Thanh cho biết, hai ngày qua tỉnh tiếp nhận trên 800 người dân về quê bằng xe máy, chủ yếu từ TP HCM, một số ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Các khu cách ly tập trung của tỉnh tổng sức chứa 3.000 chỗ; còn các bệnh viện chỉ có khả năng điều trị 2.000 F0.
Còn tỉnh Bạc Liêu đang đối mặt tình trạng quá tải vì lượng người từ các tỉnh Đông Nam Bộ về quê rất đông. Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu Bùi Quốc Nam cho biết, 2 ngày qua có hơn 2.500 người về địa phương. Nếu huy động tối đa các khu cách ly, tỉnh chỉ đáp ứng 10.000 người mà hiện cách ly khoảng 5.000 người.
"Theo kịch bản, khả năng điều trị F0 của các cơ sở y tế trong tỉnh tối đa là 2.000 ca, trong đó chữa 400 ca nặng", ông Nam nói và cho biết đợt bùng dịch lần thứ 4 đến nay, tỉnh ghi nhận 482 ca nhiễm, trong đó 306 người khỏi bệnh; 2 ca tử vong.
Dòng người từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An tự đi xe về miền Tây được dự báo khi 4 tỉnh thành này nới lỏng giãn cách từ 1/10. Tại buổi họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 28/9, nhiều tỉnh kiến nghị Chính phủ có chỉ thị yêu cầu 4 địa phương không để người dân tự về quê sau 30/9.
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người các tỉnh, thành trong cả nước làm việc tại TP HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê. Dù bốn địa phương này có tỷ lệ tiêm vaccine cao, song các tỉnh khác tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp. Do đó, nếu không kiểm soát người dân đi lại sẽ có nguy cơ lây lan dịch.
Sau đó, Thủ tướng đã chỉ đạo TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tiếp tục kiểm soát người ra vào; giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vaccine; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Những trường hợp thực sự mong muốn về quê, các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa đảm bảo an toàn, tránh gây bức xúc.
Cửu Long - Ngọc Tài