Đến ngày 8/10, tỉnh Đồng Tháp đón hơn 25.000 người về quê, trong đó hơn 170 ca nhiễm. Địa phương vẫn duy trì cách ly tập trung 3 ngày với người tiêm đủ 2 mũi vaccine, F0 khỏi bệnh có chứng nhận; cách ly 7 ngày nếu tiêm mũi một. Những trường hợp chưa tiêm vaccine phải cách ly đủ 14 ngày.
Quy định này khác với hướng dẫn hôm 6/10 của Bộ Y tế Bộ Y tế về áp dụng biện pháp cách ly, xét nghiệm đối với người về từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Theo hướng dẫn của Bộ, người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa nCoV, F0 khỏi bệnh trong 6 tháng, được theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Người chưa tiêm đủ liều vaccine cách ly tại nhà 7 ngày sau đó theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo. Người chưa tiêm khi về quê phải cách ly 14 ngày, sau đó theo dõi thêm 14 ngày.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết quy định cách ly tập trung của tỉnh có trước hướng dẫn của Bộ Y tế. Hơn nữa, ngành y tế cho phép các địa phương tuỳ điều kiện để cách ly phù hợp. "Cách ly tập trung tốn kém và nặng nhọc cho lực lượng làm nhiệm vụ nhưng kiểm soát dịch tốt hơn", ông Bửu nói và cho biết tỉnh tạo điều kiện về ăn ở, sinh hoạt cho người dân khi cách ly tập trung.
Ở tỉnh giáp ranh, đến sáng nay, An Giang đón trên 44.000 công dân về quê, trong đó qua khám sàng lọc ngành y tế phát hiện hơn 300 ca nhiễm. Với số lượng người trở về quê quá lớn, địa phương chủ trương cho cách ly tại nhà với người có kết quả xét nghiệm âm tính, chứ không đòi hỏi phải tiêm đủ liều vaccine. Tỉnh đánh giá cách làm này đúng hướng dẫn Bộ Y tế, phù hợp điều kiện thực tế địa phương.
An Giang cũng yêu cầu các địa phương trước khi đưa người dân về nhà cách ly, phải kiểm tra các điều kiện cách ly cơ bản. Nếu nhà có người già, người bệnh nền cần sang ở tạm nhà hàng xóm, người thân để tránh tiếp xúc người về từ vùng dịch. Người cách ly tại nhà phải cam kết: ở nhà trong suốt thời gian cách ly, hạn chế tiếp xúc, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K.
"Chính quyền cơ sở tăng cường giám sát, trạm y tế lưu động của xã thăm khám sức khoẻ mỗi ngày, sàng lọc định kỳ, nhanh chóng phát hiện trường hợp nghi ngờ. Nếu có ca mắc, phong toả gọn và dập dịch ngay", ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói.
Tại Sóc Trăng, từ đầu tháng 10 đến nay đã tiếp nhận hơn 40.000 người từ TP HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương về quê. Địa phương đã trưng dụng nhiều trường học, nhà văn hoá, trung tâm thể dục thể thao... để cách ly tập trung toàn bộ người về nhưng vẫn không đáp ứng đủ.
Do đó, sau khi Bộ Y tế hướng dẫn, tỉnh chỉ đạo sàng lọc những người về tỉnh và trường hợp trong khu cách ly. Theo đó, người đã tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày và người tiêm mũi 2 chưa đủ 14 ngày, F0 khỏi bệnh được cách ly tại nhà 14 ngày. Những người tiêm vaccine 2 mũi và đủ 14 ngày được cách ly tại nhà 7 ngày. Các trường hợp còn lại cách ly tập trung.
Trong khi đó, TP Cần Thơ và Vĩnh Long yêu cầu người về đã tiêm đủ 2 liều vaccine hay đã khỏi Covid-19 trong 6 tháng được theo dõi sức khỏe tại nhà. Người tiêm một liều vaccine được cách ly tại nhà 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Những người chưa tiêm vaccine bị cách ly tập trung 14 ngày và theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày. Riêng Vĩnh Long cho phép người về cách ly tại nhà nếu xét nghiệm âm tính nCoV.
Hiện, Cần Thơ tiếp nhận hơn 8.000 người, Vĩnh Long gần 6.000 trường hợp về từ vùng dịch.
Lượng người từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An tự về quê ở miền Tây đã được dự báo khi 4 tỉnh thành này nới lỏng giãn cách từ 1/10. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người các địa phương cả nước làm việc tại 4 tỉnh, thành nói trên, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê. Bốn địa phương này có tỷ lệ tiêm vaccine cao, song các tỉnh khác tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp. Do đó, nếu không kiểm soát tốt, người dân đi lại sẽ có nguy cơ lây lan dịch.
Trong công điện gửi các địa phương hôm qua, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành đã dừng Chỉ thị 16 vận động, thuyết phục người dân ở lại, hỗ trợ an sinh, tham gia khôi phục sản xuất kinh doanh. Với những người vẫn muốn về quê, địa phương cần chủ động lập danh sách để tổ chức đưa đón.
Cửu Long - Ngọc Tài