Anh Tuấn, 26 tuổi, hai tháng qua thường sống trong tâm trạng thấp thỏm vì lần lượt tiếp xúc với F0 tại công ty và ở nhà. Mỗi lần như vậy, anh tự test nhanh tại nhà, có hôm tiền mua que test nhiều hơn cả tiền lương một ngày. Đến nay, anh không đếm nổi số lần tự test nhanh, nhưng "không test thì bất an, lo lắng, nên cứ test cho yên tâm rồi còn làm việc".
Lần đầu anh trở thành F1 là sau Tết, đi ăn với ba đồng nghiệp (hôm sau ghi nhận là F0), anh test nhanh âm tính. Nghĩ mình test sai, anh đến bệnh viện xét nghiệm PCR. "Lúc đó ca nhiễm chưa nhiều như bây giờ, lại vừa ra Tết công việc còn bộn bề nên tôi lo lắng và căng thẳng lắm", Tuấn nói. Cứ ba ngày, anh test lại một lần, "sẵn sàng tâm lý mắc bệnh". Hết 7 ngày, anh test lại vẫn âm tính thì chị gái lại thành F0, anh tiếp tục là F1, test nhanh vẫn âm tính. Ở công ty anh, hầu như ngày nào cũng có F0. Mọi người gọi đùa anh là" F1 bất tử".
Gần đây, thời tiết Hà Nội thay đổi, cơ thể dễ bị ốm, mệt, cứ có triệu chứng nghi ngờ là Tuấn test nhanh cho yên tâm. Khi đi làm, anh chủ động mang cơm đi, dùng dung dịch sát khuẩn, kính chống giọt bắn để bảo vệ bản thân. "Cảm giác Covid đang lơ lửng trên đầu, mình đã tiêm vaccine và còn trẻ, không sợ bệnh nặng mà chỉ sợ di chứng", anh chia sẻ.
Đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày hơn 10.000 ca mới - tăng 171% so với hai tuần trước. Nhiều người thoải mái hơn khi mắc bệnh vì "F0 ở khắp mọi nơi", song nhiều F1 ngày đêm thấp thỏm. Như chị Linh, ở quận Cầu Giấy, cứ đi làm là "va phải" F0. Chị ở cùng chồng, con trai 2 tuổi và mẹ chồng nên rất lo lắng, test nhanh liên tục. Giờ, chị mua sẵn cả hộp test và test gộp để tiết kiệm.
Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19, cho biết trường hợp âm tính sau khi tiếp xúc với nhiều F0 như Tuấn, Linh là không hiếm gặp. Nhiều gia đình rơi vào tình cảnh F0 đông hơn F1, người bệnh chăm sóc người khỏe. Có gia đình F1 bắt buộc phải ăn chung ngủ chung với F0 nhưng test nhanh vẫn âm tính. Lý giải điều này, bác sĩ cho biết có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, do hệ thống miễn dịch của mỗi người. Những người có sức đề kháng mạnh sẽ tấn công và tiêu diệt virus. Họ có thể không mắc bệnh, hoặc nhiễm với triệu chứng và mức độ rất nhẹ, nhanh khỏi, khi xét nghiệm thường không thấy virus. Người đã tiêm vaccine càng có kháng thể mạnh để bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của virus.
Thứ hai, có thể đã mắc bệnh nhưng không biết, chứ không phải miễn nhiễm. Khi có triệu chứng nhẹ như hắt hơi, sổ mũi... người bệnh chỉ nghĩ bị cảm. Những người này sẽ có kháng thể để bảo vệ cơ thể trong thời gian nhất định giống như tiêm vaccine.
Thứ ba, một số người thực hiện quy trình test chưa chuẩn, sai kỹ thuật hoặc thời điểm lấy mẫu chưa đúng. Ví dụ ở giai đoạn ủ bệnh hay khi vừa tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, người bệnh có thể đã nhiễm virus song tải lượng virus thấp. Lúc này, khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh thương mại.
Theo nghiên cứu thế giới, thời gian trung bình từ lần đầu tiếp xúc virus đến khi khởi phát triệu chứng là 42 giờ, ngắn hơn đáng kể so với ước tính thông thường (ủ bệnh 5 đến 6 ngày). Sau giai đoạn này, tải lượng virus trong các mẫu gạc lấy từ mũi hoặc cổ họng đã tăng mạnh. Nồng độ virus đạt đỉnh trung bình vào khoảng 5 ngày sau khi nhiễm.Virus phát triển và đạt đỉnh ở cổ họng sớm hơn đáng kể so với mũi. Vì vậy, trong giai đoạn đầu phơi nhiễm, nếu chỉ xét nghiệm dịch mũi, rất có khả năng F0 sẽ nhận kết quả âm tính giả.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM, cũng cho rằng corona virus liên quan đến nhiều bệnh, ví dụ như cúm, cảm lạnh, Covid-19. Nếu một người từng bị cảm lạnh, cơ thể đã có miễn dịch với corona, được lưu lại bằng tế bào trí nhớ miễn dịch. Khi tiếp xúc với mầm bệnh là Covid-19, tế bào trí nhớ được kích hoạt, chủ động đào thải virus ra ngoài, trước khi chúng gây triệu chứng. Đây gọi là miễn dịch chéo.
Tình trạng "miễn nhiễm" với nCoV cũng là một trong những bí ẩn lớn nhất xuất hiện từ đầu đại dịch đến nay, được các chuyên gia bệnh truyền nhiễm nghiên cứu. Danny Altmann, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, cho biết khả năng lây bệnh từ gia đình thực tế "không cao như tưởng tượng".
Nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Anh, công bố tháng trước, cho thấy người có mức tế bào T (tế bào miễn dịch) cao từ những lần nhiễm virus corona dạng cảm lạnh trước đó thì ít khả năng mắc Covid-19.
Tiến sĩ Rhia Kundu, Viện Tim phổi Quốc gia Imperial, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Không phải lúc nào tiếp xúc với nCoV cũng dẫn đến dương tính. Ở một số người, chúng tôi phát hiện lượng tế bào T tồn tại từ trước, được tạo ra vì cơ thể nhiễm virus corona cảm lạnh, có thể chống lại Covid-19".
Giả thuyết khác là một số người sở hữu bộ gene có cơ chế kháng virus. Tháng 1/2021, chuyên gia Đại học New York và Trường Y Icahn tại Mount Sinai xuất bản một nghiên cứu trên tạp chí Cell cho thấy gene RAB7A ở người là thành phần quan trọng nCoV sử dụng để xâm nhập tế bào. RAB7A tồn tại trong thụ thể (protein) ACE2. Khi virus lây nhiễm, đầu tiên chúng gắn protein gai của mình với thụ thể này. Ở một số người, đột biến gene RAB7A khiến thụ thể ACE2 không hoạt động. Vì vậy, nCoV không tìm được nơi để gắn kết và đi vào tế bào.
Andrew Freedman, học giả về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Cardiff, nhận định một số người không mắc Covid-19 do đã tiêm chủng, từng nhiễm nCoV trước đó hoặc cả hai.
Tuy nhiên, "miễn nhiễm Covid-19 không có nghĩa sẽ an toàn suốt đời", Phó giáo sư Dũng nhấn mạnh. Theo ông, tùy vào các yếu tố như cơ địa, giai đoạn, nồng độ virus xâm nhập, miễn dịch cơ thể mạnh hay yếu khác nhau sẽ quyết định việc có mắc bệnh hay không. Thêm nữa, kháng thể được tạo ra do tế bào trí nhớ miễn dịch. Nếu không tiếp xúc thường xuyên với mầm bệnh, hoặc cơ thể già hóa, trải thời gian dài, hoặc phải điều trị một số bệnh khác thì tế bào trí nhớ này sẽ giảm dần và mất đi.
Hiện, Việt Nam chưa có báo cáo nào ghi nhận tỷ lệ miễn nhiễm Covid-19 trên toàn dân. Để xác định một người từng nhiễm Covid-19 hay chưa, cần đánh giá mức độ phơi nhiễm cộng đồng, điều tra dịch tễ, làm xét nghiệm kháng nguyên... Thậm chí, với những người cơ địa đặc biệt, không có kháng nguyên thì phải làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như tìm tế bào trí nhớ miễn dịch. Việc này tốn kém và không cần thiết.
Do đó, người dân không nên mang tâm lý "ai cũng trở thành F0" mà cần có biện pháp để phòng chống dịch, bảo vệ bản thân. Nếu sống cùng F0, F1 phải ở riêng phòng, mọi sinh hoạt như tắm giặt, ăn uống phải tách biệt với những người mắc bệnh. Bên cạnh đó, khi chung nhà thì dù là F0 hay F1 cũng phải đeo khẩu trang.
Các thành viên cần hạn chế nói chuyện với nhau, có thể trao đổi qua điện thoại hoặc tin nhắn. Những vị trí như bếp nấu, nhà vệ sinh, tay nắm cửa... cần lau dọn, khử khuẩn. Không dùng chung nhà vệ sinh, không khạc nhổ bừa bãi. F1 phải tự theo dõi sức khỏe của bản thân trong quá trình cách ly chung với F0...
Tròn một tuần cách ly tại nhà, hôm nay chị Linh test gộp với chồng, kết quả âm tính. Chị thở phào, nghĩ cố gắng "trốn Covid" ngày nào mừng ngày đó. Còn Tuấn cũng sẵn sàng trở lại công ty. Với anh, dính Covid là trải nghiệm không nên có, nhiều người nhiễm rồi cũng có thể nhiễm lại, chưa kể ảnh hưởng hậu Covid-19. Anh cho rằng mọi người không nên truyền tai nhau về "trend F0" hay "nhốt hết F1, thả F0" mà nên bảo vệ sức khỏe của mình để không mắc bệnh.
Thùy An