Bạo lực leo thang ở miền đông Ukraine ngày 17/2, khi phe ly khai thân Nga và chính quyền ở Kiev cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn dọc chiến tuyến giữa đôi bên. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay cho biết ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tiến đánh Ukraine và chiến dịch có thể bắt đầu "trong những ngày tới", dù Điện Kremlin từng khẳng định không bao giờ có ý định tấn công Ukraine.
Căng thẳng càng gia tăng sau khi Nga gửi văn bản 10 trang tới Mỹ, cảnh báo sẽ sử dụng "các biện pháp quân sự - kỹ thuật" nếu không nhận được từ Mỹ và đồng minh những đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý đối với các yêu cầu an ninh của mình, trong đó có cam kết rằng NATO sẽ không bao giờ cho phép Ukraine gia nhập, cũng như hạn chế triển khai quân ở Đông Âu.
Tại Liên Hợp Quốc, Nga tiếp tục cáo buộc Ukraine đang thực hiện chiến dịch "diệt chủng" đối với cộng đồng người nói tiếng Nga ở nước này. Các quan chức phương Tây bác bỏ, cho rằng đây là thông tin sai lệch mà Moskva tung ra nhằm biện minh cho hành động quân sự chống lại Kiev.
Nga cũng thông báo họ đã trục xuất phó đại sứ Mỹ tại Moskva. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang cân nhắc phản ứng.
Theo quân đội Ukraine và người dân địa phương, tại các thị trấn do chính quyền quản lý ở vùng Donbass hôm 17/2, một trường mẫu giáo và một trường học đã bị trúng đạn cối từ phe ly khai.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người tới thăm các binh sĩ tiền tuyến ở Donbass, mô tả cuộc pháo kích là "hành động khiêu khích lớn" của các lực lượng ly khai thân Nga. Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine lên án cuộc tấn công trường mẫu giáo là hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, "một lần nữa thể hiện thái độ coi thường của Nga đối với dân thường Ukraine ở cả hai bên xung đột".
Tuy nhiên, phe ly khai cáo buộc Kiev dàn dựng vụ tấn công trường mẫu giáo. Tại Moskva, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov quy trách nhiệm cho Ukraine làm gia tăng căng thẳng. "Rõ ràng là tình hình ở Donbass đang leo thang. Căng thẳng ở biên giới Nga có thể bùng phát bất cứ lúc nào", ông nói.
Đại diện Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng cho biết hai vụ nổ liên tiếp xảy ra tại đường ống dẫn dầu quốc tế và trạm xăng thành phố Lugansk tối 18/2, nhưng chưa rõ nguyên nhân, thiệt hại và thương vong.
Cùng ngày, tại trung tâm thành phố Donetsk xảy ra vụ nổ phá hủy một xe quân sự được cho là của chỉ huy lực lượng an ninh Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và làm hư hại nhiều phương tiện khác gần đó.
Lãnh đạo LPR và DPR ngày 18/2 thông báo bắt đầu sơ tán dân thường sang Nga do lo ngại quân chính phủ Ukraine mở đợt tấn công nhằm vào phe ly khai, song chưa đưa ra bằng chứng.
Nga được cho là đã tập trung hơn 100.000 quân dọc theo biên giới Ukraine. Moskva tuần qua thông báo bắt đầu rút số quân này về căn cứ, nhưng các quan chức phương Tây nói rằng Nga vẫn tiếp tục điều quân tới biên giới và đã có đủ lực lượng cần thiết để tấn công quốc gia láng giềng.
Ukraine phủ nhận nước này phân biệt đối xử với cộng đồng nói tiếng Nga ở miền đông và đổ lỗi cho Nga châm ngòi cuộc xung đột vùng Donbass, khiến khoảng 14.000 người thiệt mạng kể từ năm 2014 và đẩy hàng triệu cư dân rơi vào cảnh mất nhà cửa.
"Các báo cáo về hoạt động quân sự bất thường của Ukraine ở Donbass là một nỗ lực trắng trợn của chính phủ Nga nhằm ngụy tạo cái cớ cho cuộc xâm lược", Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói, song không cung cấp bằng chứng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phủ nhận cáo buộc này. "Nỗ lực nhằm đổ lỗi cho Nga vì những gì đang xảy ra quanh Ukraine sẽ không thành công", ông tuyên bố.
Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo về một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga nhằm vào Ukraine và đề xuất một cuộc gặp ngoại giao cuối cùng với người đồng cấp Nga Lavrov.
"Đây là thời khắc nguy hiểm đối với cuộc sống và an toàn của hàng triệu người", ông nói.
Cũng tại bàn hội nghị của Hội đồng Bảo an, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin tiếp tục phản bác cáo buộc Nga chuẩn bị xâm lược Ukraine. "Ngày hôm kia, một số đơn vị, sau khi tập trận, đã trở về căn cứ của họ ở Nga", ông cho hay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cuối ngày 17/2 cho biết Ngoại trưởng Blinken và Lavrov có thể gặp nhau ở châu Âu vào cuối tuần tới, "với điều kiện là không có cuộc xâm lược nào của Nga vào Ukraine".
"Nếu họ xâm lược trong những ngày tới, điều đó sẽ cho thấy rõ ràng rằng họ chưa bao giờ nghiêm túc với nỗ lực ngoại giao", ông nhấn mạnh.
Giao tranh giữa quân đội Ukraine và các lực lượng do Nga hậu thuẫn thuộc vùng Donetsk và Lugansk ở Donbass bùng phát vào năm 2014, trở nên ác liệt nhất trong một năm sau đó và chỉ lắng dịu sau khi Thỏa thuận hòa bình Minsk được ký năm 2015. Các bên nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi miền đông Ukraine, đụng đổ chỉ diễn ra lẻ tẻ trong những năm qua.
Doanh nhân địa phương Aleksey Chernikov cho biết trận pháo kích ngày 17/2 ở Stanytsia Luhanska, thị trấn ở phía đông vùng Lugansk do Ukraine kiểm soát, là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2015 đến nay.
"Nhiều người dân địa phương đang hoảng loạn, một số cố gắng rời đi, những người khác tìm cách lẩn trốn", ông kể. Điện đã bị cắt trong thời gian ngắn. Các cuộc pháo kích lại tiếp diễn vào đêm 17/2, gây hư hại một bưu cục của thị trấn.
Theo Albert Zinchenko, người đứng đầu chính quyền quân sự - dân sự địa phương, các tay súng thân Nga đã tấn công nhầm vào trường mẫu giáo khi nhắm mục tiêu vào một kho đường sắt gần đó.
Ở Vrubivka, thị trấn khác nằm dọc chiến tuyến, đạn pháo sáng 17/2 rơi trúng sân một trường tiểu học. Olena Makarenko, bà của một học sinh tại trường, cho biết "tất cả lũ trẻ đều vô cùng sợ hãi, kêu khóc và la hét".
Yan Leshchenko, người đứng đầu Lực lượng Dân quân Nhân dân Luhansk, lực lượng quân sự của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng do Nga hậu thuẫn, nói rằng chính quân đội Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công nhằm vào trường mẫu giáo.
"Để biện minh cho các hành động tội ác, phía Ukraine đã nhồi nhét và công bố các tài liệu dàn dựng về việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự, được cho là kết quả của hỏa lực từ Dân quân Nhân dân", ông cho biết trong một bài đăng trên trang web của chính quyền Lugansk tự xưng.
Thông thường, giám sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ ghi nhận các vi phạm lệnh ngừng bắn ở Donbass. Nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn sau khi Mỹ và Anh rút nhân viên của họ trong những ngày gần đây do lo ngại về một cuộc tấn công toàn diện từ Nga.
Các quan chức ở Kiev và phương Tây đã cảnh báo suốt nhiều tuần qua rằng Moskva có thể lợi dụng giao tranh ở Donbass như một lý do để động binh. Nga được cho là đã cấp hộ chiếu cho nhiều người dân ở các khu vực do nước này hậu thuẫn ở Donetsk và Luhansk, đồng thời nhấn mạnh Nga có nghĩa vụ bảo vệ công dân của mình ở đó.
Quốc hội Nga đã bỏ phiếu hồi đầu tuần để thúc giục Tổng thống Vladimir Putin công nhận hai "cộng hòa nhân dân" Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập.
Viktor Pris, đại diện nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, cho biết trên Telegram rằng "tình hình đã leo thang mạnh" với nhiều vụ pháo kích hơn mức được ghi nhận kể từ tháng 4/2021. "Đối phương đang cố gắng tung ra các hành động thù địch", ông nói.
Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ngày 18/2 tuyên bố bắt đầu đợt sơ tán quy mô lớn dân thường sang lãnh thổ Nga, với cáo buộc quân đội Ukraine sắp mở đợt tấn công. Kiev bác bỏ cáo buộc này.
Điện Kremlin gần đây phát đi những tín hiệu trái chiều, thông báo rút bớt quân ở biên giới và gợi ý rằng Moskva sẵn sàng đàm phán với phương Tây để xoa dịu cuộc khủng hoảng và giải quyết các bất đồng. Tuy nhiên, theo giới chức phương Tây và ở Kiev, Nga vẫn tiếp tục tập trung quân đội xung quanh Ukraine. Ukraine hôm 16/2 đã nâng cấp độ báo động trong các lực lượng vũ trang và cho biết đã cấp thêm cơ số đạn cho binh sĩ ngoài tiền tuyến.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Vũ Hoàng (Theo WSJ)