Một tuần sau khi Ukraine triển khai lực lượng lớn cùng xe tăng, thiết giáp tràn qua biên giới, tấn công tỉnh Kursk, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã chặn được đà tiến của đối phương tại 5 khu vực.
Cơ quan này ngày 13/8 cũng tuyên bố "tiếp tục đẩy lùi" các đợt tấn công của Ukraine, sau khi Tổng thống Vladimir Putin khẳng định sẽ "loại bỏ kẻ địch khỏi lãnh thổ". Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay lực lượng nước này đã tiến thêm 1-2 km ở Kursk và bắt thêm hơn 100 tù binh Nga trong ngày 14/8.
Giới quan sát nhận định chiến dịch của Ukraine là đòn giáng chính trị đối với ông Putin. Đây là lần đầu tiên một lực lượng quân sự bên ngoài tiến vào và kiểm soát một phần lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II. Không sớm đẩy lùi lực lượng Ukraine đồng nghĩa Nga thể hiện sự yếu kém.
"Mất kiểm soát một phần lãnh thổ và phải sơ tán dân thường có thể được diễn giải thành Nga không thể tự vệ", Matthew Savill, chuyên gia quân sự tại Viện Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, nhận định.
Tổng thống Putin ngày 7/8 gọi chiến dịch của Ukraine là động thái "khiêu khích quy mô lớn". Cách chọn từ có vai trò quan trọng, bởi học thuyết quân sự Nga cho phép Moskva triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu có đòn tấn công từ thế lực bên ngoài đe dọa tồn vong đất nước. Cách gọi này cho thấy Nga không tính đến phương án sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó.
Volodymyr Fesenko, Chủ tịch hội đồng Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Ứng dụng PENTA của Ukraine, cho rằng ông Putin hiểu từ "chiến tranh" sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý người dân và muốn tránh leo thang căng thẳng, do lo ngại gia tăng nguy cơ xung đột trực tiếp với phương Tây.
"Tôi cảm thấy ông Putin vẫn coi đàm phán là kịch bản chủ đạo để chấm dứt xung đột. Ông ấy muốn cuộc chiến kết thúc theo ý mình, dù khó giành được thắng lợi quân sự trên chiến trường. Do đó, ông ấy phát biểu thận trọng và điều này có lợi cho chúng tôi", Fesenko nói.
George Barros, chuyên gia phân tích chiến sự Nga - Ukraine tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), cho rằng chiến dịch ở Kursk còn buộc ông Putin và giới lãnh đạo Nga phải đánh giá lại chiến lược trong xung đột.
"Điện Kremlin và quân đội Nga cần coi biên giới dài cả nghìn km với vùng đông bắc Ukraine là tiền tuyến phải phòng thủ, thay vì là 'tiền tuyến ngủ yên' như từ mùa thu 2022", Barros nói. "Nga đã dành đáng kể nguồn lực để xây công sự dọc biên giới, nhưng chưa phân bổ nhân lực và khí tài để bảo vệ khu vực".
Trả lời báo giới sau khi đến thành phố New Orleans ở bang Louisiana hôm 13/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông được báo cáo vắn tắt về hoạt động của Ukraine ở lãnh thổ Nga 4-5 giờ một lần trong khoảng một tuần qua. "Điều đó đang khiến ông Putin rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan thật sự", ông Biden nói.
Theo ISW, để đối phó chiến dịch tấn công của Ukraine, Nga dường như dựa vào lực lượng hỗn hợp gồm lính nghĩa vụ, quân địa phương và binh sĩ được điều về từ khu vực ít căng thẳng ở Ukraine. Tuy nhiên, lực lượng này kém tinh nhuệ và thiếu kinh nghiệm chiến đấu, khiến họ không thể chống đỡ lực lượng Ukraine vốn được trang bị tốt và đã trải qua thực chiến.
Lực lượng Ukraine tuyên bố đã bắt "lượng lớn" tù binh Nga. Các kênh Telegram Ukraine ngày 13/8 đăng video tù binh mặc quân phục Nga kêu gọi giới chức nước này trao đổi họ với binh sĩ Tiểu đoàn Azov.
Tiểu đoàn Azov từng chiến đấu bảo vệ thành phố Mariupol bị lực lượng Nga bao vây. Tháng 5/2022, các thành viên Tiểu đoàn Azov đầu hàng, khoảng 2.500 người đã bị Nga bắt làm tù binh.
Đây sẽ là vấn đề Tổng thống Putin phải cân nhắc, bởi đưa cựu binh Tiểu đoàn Azov trở về sẽ giúp Ukraine có lợi về mặt tuyên truyền và có thể là một trong những mục tiêu Tổng thống Zelensky đặt ra.
Bằng cách đột kích vào Kursk, Ukraine có thể còn muốn giới chức Nga buộc phải lựa chọn triển khai lực lượng ở đâu. Nga đang dồn nguồn lực cho các đợt tiến công ở tỉnh Donetsk và đã giành nhiều thắng lợi chiến thuật. Đây là một trong 4 vùng mà Nga tuyên bố sáp nhập năm 2022, dù chưa kiểm soát hoàn toàn.
Diễn biến ở Kursk cho thấy lực lượng tại chỗ của Nga ở đây không thể đối phó Ukraine. Điều này đồng nghĩa giới lãnh đạo Nga đối mặt lựa chọn khó khăn giữa duy trì đà tiến công ở Donbass với nỗ lực phòng thủ Kursk.
Marina Miron, nhà nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu chiến tranh, Đại học King's College London của Anh, cho rằng Nga còn một lựa chọn nữa là để lực lượng Ukraine tiến sâu hơn vào Kursk, từ đó có thể nhắm mục tiêu thuận lợi hơn.
Chiến lược này bất lợi về mặt chính trị, nhưng có lợi về mặt quân sự, theo Miron. Sau cùng, Nga sẽ rất khó tạo ra phản ứng đủ mạnh để răn đe các nước phương Tây đang hỗ trợ cho Ukraine mà vẫn có thể tránh leo thang căng thẳng với NATO.
Nhưng giới phân tích cho rằng Ukraine sẽ không tiến quá sâu vào lãnh thổ Nga, do hạn chế về hậu cần và khả năng yểm trợ hỏa lực. Lực lượng Ukraine đạt thắng lợi ban đầu chủ yếu nhờ yếu tố bất ngờ. Một khi lực lượng tiếp viện Nga có mặt, Ukraine sẽ khó cố thủ tại những khu vực đã chiếm được.
Theo giới chức quân đội Ukraine, Nga đã rút một phần lực lượng ở mặt trận Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, về Kursk để ứng phó với chiến dịch tấn công.
Ukraine cũng đối mặt nhiều thách thức với chiến dịch ở Kursk. Kiev phải cân nhắc có đáng dồn thêm nguồn lực để thọc sâu hơn nữa hay không, trong khi lực lượng Ukraine đang chật vật ứng phó các đợt tấn công của đối thủ vào các thành trì chiến lược ở miền đông.
Diễn biến tiếp theo ở Kursk còn tùy thuộc vào việc các bên có nguồn lực dự bị thế nào và cách họ triển khai những nguồn lực đó, Franz-Stefan Gady, nhà phân tích quân sự ở Vienna, Áo, nói với WSJ.
Như Tâm (Theo AFP, Fox News, Newsweek)