Kết quả một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature ngày 24/5, do nhóm của nhà khoa học Ali Ellebedy thuộc Đại học Washington, St. Louis, tiến hành. Nhóm đã phân tích mẫu máu của 77 người vào khoảng một tháng sau khi họ nhiễm nCoV. Theo đó, sau 4 tháng từ khi nhiễm virus, mức độ kháng thể ở những người này giảm nhanh chóng và giảm chậm trong nhiều tháng sau đó.
Một số nhà khoa học cho rằng sự sụt giảm này là dấu hiệu cho thấy khả năng miễn dịch suy giảm, nhưng điều đó hoàn toàn bình thường. Nếu phải chứa một lượng lớn kháng thể chống lại mọi mầm bệnh mà cơ thể từng gặp phải, máu sẽ rất đặc. Thay vào đó, các tế bào có khả năng ghi nhớ virus vẫn tồn tại trong tủy xương và có thể sinh kháng thể bất cứ khi nào cần thiết.
Một nghiên cứu khác đang được xem xét để xuất bản trên Nature. Nó cho thấy những tế bào ghi nhớ, hay còn gọi là tế bào B, tiếp tục trưởng thành và mạnh lên trong ít nhất 12 tháng sau khi nhiễm nCoV. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy tế bào này ở người đã tiêm phòng. Nếu virus vượt qua hàng phòng thủ này, tế bào T sẽ can thiệp nhằm loại bỏ các tế bào nhiễm bệnh và ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng.
Trên thực tế, các tế bào B sinh ra khi cơ thể nhiễm virus và được tăng cường nhờ vaccine có thể chống lại các biến thể mà không cần mũi tiêm bổ sung, theo Michel Nussenzweig, nhà miễn dịch học tại Đại học Rockefeller, dẫn đầu nhóm nghiên cứu.
Tiến sĩ Nussenzweig nói: "Những người mắc bệnh và được tiêm phòng thực sự có phản ứng miễn dịch tuyệt vời bởi các kháng thể tiếp tục được cải thiện. Tôi hy vọng chúng sẽ tồn tại trong một thời gian dài".
Những phát hiện này có thể giúp xoa dịu lo ngại rằng miễn dịch Covid-19 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và có thể người dân sẽ phải tiêm vaccine nhắc lại hàng năm. Kết quả hai nghiên cứu này thiên về hướng hầu hết bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục và những người được tiêm phòng sau đó không cần tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, những người được chích ngừa nhưng chưa bao giờ mắc Covid-19 hoặc người không có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ rất có thể cần tiêm bổ sung.
Cả hai báo cáo đều xem xét những người nhiễm nCoV khoảng một năm trước.
Trong khi đó, hãng Pfizer và Moderna cho rằng cần tiêm vaccine nhắc lại hàng năm như chích vaccine cúm mùa. Trao đổi với một tiểu ban của Thượng viện Mỹ vào tuần trước, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, cho biết vaccine không có khả năng bảo vệ vô hạn. Ông nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng một lúc nào đó ta sẽ cần tiêm nhắc lại. Chúng tôi đang tìm hiểu về thời gian giãn cách giữa các mũi tiêm".
Theo giáo sư John Wherry, nhà miễn dịch học từ Đại học Pennsylvania: "Khả năng miễn dịch có thể suy giảm. Song, chúng tôi không rõ. Nhờ vaccine mRNA, ta có thể ngăn ngừa bệnh tốt hơn so với nhiễm trùng tự nhiên".
Đến nay, 63% người Mỹ trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và hơn 40% được tiêm đầy đủ. Nhờ chiến dịch tiêm chủng, số ca nhiễm và tử vong đang giảm. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày giảm xuống dưới 17.300 vào ngày 1/6, so với 31.000 cách đây hai tuần. Số người chết hàng ngày giảm còn 588 người.
Hiện, nhiều người vẫn chưa được tiêm vaccine và biến thể nCoV có nhiều cơ hội sinh sôi. Trong bối cảnh đó, việc tiêm nhắc lại có thể cần thiết nếu số người mắc Covid-19 sau tiêm chủng tăng vọt, đặc biệt là các ca bệnh nặng do biến thể gây ra.
Để chuẩn bị cho điều đó, những người từng tiêm vaccine Pfizer và Moderna trong thử nghiệm năm ngoái đang được tiêm liều thứ ba hoặc các phiên bản vaccine được cải tiến, nhắm tới biến thể xuất hiện lần đầu ở Nam Phi. Theo Moderna, những phát hiện sơ bộ rất hứa hẹn. Hãng này sẽ thu được nhiều kết quả hơn vào mùa hè này.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ cũng vừa bắt đầu thử nghiệm tiêm nhắc lại mũi vaccine. Trong đó, tình nguyện viên được tiêm vaccine khác với loại họ sử dụng ban đầu.
Hầu hết dân số thế giới vẫn chưa được tiêm liều vaccine đầu tiên. Do các quốc gia sử dụng loại vaccine khác nhau, quyết định về việc tiêm nhắc lại có thể khác biệt. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là nơi đầu tiên triển khai liều thứ ba cho những người đã sử dụng vaccine Trung Quốc.
Mai Dung (Theo NY Times, AP)