Khi Mỹ tiến gần đến mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số, cộng đồng chú ý đến câu hỏi: "Hiệu quả của vaccine kéo dài bao lâu? Liệu có nên tiêm thêm liều bổ sung?".
Các nhà khoa học đưa ra nhiều giả thuyết, song chưa có câu trả lời cụ thể. Viện Y tế Quốc gia gần đây thông báo khởi động một thử nghiệm lâm sàng với với những người đã tiêm chủng đầy đủ để xem kháng thể của họ duy trì bao lâu.
Trước đó, nhiều nhà khoa học ước tính vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson hiệu quả trong ít nhất một năm. Song kết quả chưa chắc chắn, cũng không rõ liệu biến thể nCoV mới có ảnh hưởng đến tác dụng của chúng hay không.`
Tiến sĩ Edward Belongia, chuyên gia dịch tễ tại Viện nghiên cứu Marshfield Clinic, cho biết: "Liều vaccine bổ sung là còn là một bí ẩn".
Thông thường, các mầm bệnh khác nhau ảnh hưởng đến hệ miễn dịch theo cách riêng biệt. Đối với một số bệnh, chẳng hạn sởi, kháng thể duy trì suốt đời chỉ sau một lần lây nhiễm. Ở những mầm bệnh khác, miễn dịch suy yếu theo thời gian.
Vaccine mô phỏng quá trình nhiễm bệnh tự nhiên. Vaccine sởi chỉ cần tiêm một liều, tạo kháng thể suốt đời. Vaccine uốn ván mất dần hiệu quả sau nhiều năm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tiêm nhắc lại uốn ván 10 năm một lần.
Bên cạnh đó, virus liên tục thay đổi, người dùng đôi khi cần thêm liều tăng cường để tạo lớp phòng thủ mới. Nhiều loại virus dễ đột biến cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm.
Các câu hỏi xung quanh thời gian duy trì miễn dịch của vaccine Covid-19 còn bỏ ngỏ, bởi các nước chỉ mới khởi động chương trình tiêm chủng vài tháng.
Tiến sĩ Kirsten Lyke, chuyên gia vaccine tại Đại học Y Maryland, nhận định: "Ngay cả trong các thử nghiệm, chúng tôi cũng không biết hệ miễn dịch phản ứng thế nào sau một năm".
Song những dữ liệu ban đầu khá tích cực. Các nhà nghiên cứu thu mẫu máu từ tình nguyện viên trong các cuộc thử nghiệm vaccine, đo mức kháng thể và tế bào miễn dịch nhắm đến nCoV. Kết quả cho thấy lượng kháng thể giảm từ từ. Với tốc độ này, vaccine có thể duy trì thời gian dài. Người từng mắc Covid-19 sau đó tiêm chủng được bảo vệ lâu dài hơn.
"Có thể vaccine thực sự hiệu quả trong nhiều năm với chủng virus nguyên bản", tiến sĩ Belongia nói.
Tuy nhiên, đây chỉ là viễn cảnh lý tưởng nhất.
Các nhà khoa học phát hiện vaccine sử dụng công nghệ khác nhau có thời gian duy trì hiệu quả khác nhau. Vaccine mạnh nhất là Moderna và Pfizer, điều chế bằng phân từ mRNA. Vaccine bất hoạt của Sinopharm (Trung Quốc) và Bharat Biotech (Ấn Độ) kém tác dụng hơn phần nào.
Giới chuyên gia chưa rõ lý do dẫn đến sự khác biệt này. Vaccine mRNA tương đối mới, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về khả năng miễn dịch. Có thể các vaccine kém hiệu quả với Covid-19 sẽ nhanh chóng giảm tác dụng. Vaccine Sinopharm là ví dụ. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy nó hiệu quả 78%. Song Các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain đã khuyến nghị người dân tiêm thêm một liều vaccine Pfizer để tăng khả năng miễn dịch.
Liều bổ sung hoặc nhắc lại còn có thể giúp ngăn ngừa biến thể
Sự xuất hiện của các biến thể virus thời gian gần đây thúc đẩy giới khoa học nghiên cứu thêm về liều vaccine bổ sung. Một số biến thể lây lan nhanh chóng hơn. Số khác làm giảm hiệu quả vaccine.
Song đến nay, các nhà khoa học có ít manh mối để xác định vaccine hoạt động thế nào trên từng biến thể. Tháng trước, Qatar công bố nghiên cứu về vaccine Pfizer, được tiêm cho hơn 250.000 cư dân nước này kể từ tháng 12 đến tháng 3. Kết quả cho thấy vaccine hiệu quả 95% với nCoV nguyên bản. Song biến thể Alpha (lần đầu xuất hiện ở Anh) làm giảm tác dụng của nó xuống còn 89,5%. Ở biến thể Beta (lần đầu xuất hiện ở Nam Phi), vaccine còn hiệu quả 75%. Tuy nhiên, ở cả hai biến thể, vaccine có tác dụng 100% trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, nguy kịch hoặc gây tử vong.
Một biến thể né tránh được vaccine không quá đáng ngại. Ví dụ, Beta còn hiếm ở các nước có chương trình tiêm chủng mạnh mẽ như Israel, Anh và Mỹ. Nếu Beta vẫn không phổ biến trong thời gian tới, nó không phải mối đe dọa nghiêm trọng.
Nhưng virus sẽ tiếp tục đột biến. Các nhà khoa học không loại trừ khả năng biến thể mới sẽ xuất hiện trong những tháng tiếp theo, lây lan nhanh chóng và ảnh hưởng đến vaccine.
Một số nhà khoa học cho rằng cần có liều vaccine bổ sung dành riêng cho biến thể. Số khác nghĩ vaccine thế hệ đầu tiên vẫn hiệu quả khi virus thay đổi.
Pfizer đã khởi động thử nghiệm để kiểm chứng cả hai giả thuyết này. Họ cho một nhóm tình nguyện viên đã tiêm chủng đầy đủ sử dụng liều vaccine thứ ba, cùng loại với hai liều trước đó. Nhóm còn lại được tiêm một chất tăng cường mới hoàn toàn, nhắm đến biến thể Beta.
"Dựa trên những gì đã thu được, chúng tôi cho rằng trước khi Covid-19 suy yếu, chúng ta sẽ cần thêm liều vaccine thứ ba trong khoảng 12 tháng kể từ lần tiêm đầu tiên. Như vậy mới đủ để bảo vệ người dùng khỏi mầm bệnh", Jerica Pitts, giám đốc bộ phận quan hệ công chúng của Pfizer, cho biết.
Người dân có thể cần chuyển sang loại vaccine khác khi tiêm liều bổ sung để nâng cao hiệu quả, nhiều nghiên cứu về mầm bệnh khác đã chứng minh điều này.
"Đây là khái niệm đã được thử nghiệm, ứng dụng từ trước khi có Covid-19" tiến sĩ Lyke nói.
Thục Linh (Theo NY Times)