Tại hội thảo Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Mexico sáng nay, ông Alejandro Negrin Munoz - Đại sứ Mexico tại Việt Nam, nói đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh đầu tư và xuất khẩu hàng hóa vào Mexico.
Trước hết, theo ông, nước này nằm ở cửa ngõ giữa Bắc Mỹ và khu vực Mỹ Latinh. Cùng với đó, Hiệp định thương mại tự do Canada - Mỹ - Mexio (CUSMA) sẽ là "bàn đạp" tốt cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Bắc Mỹ có quy mô hơn 28.500 tỷ USD.
Hiện nay, dù đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 100 tỷ USD, Mỹ vẫn là bài toán khó cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài hàng loạt quy trình kiểm định khắt khe về chất lượng sản phẩm, thời gian gần đây hàng Việt gặp thêm trở ngại từ nhiều đợt điều tra phòng vệ thương mại. Các cuộc điều tra mới nhất gồm: chống bán phá giá với mật ong, lốp xe, tôm nước ấm đông lạnh, cá ba sa, cá tra hay điều tra chống lẫn tránh với pin năng lượng mặt trời.
Việc "đi đường vòng" thông qua các nước Mỹ Latinh - với mặt bằng chung "dễ tính hơn" - được xem là một trong những cách hữu hiệu để đưa hàng Việt vào Mỹ. Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Mexico (xuất khẩu năm 2020 của Mexico sang thị trường này đạt gần 340 tỷ USD).
Chia sẻ thêm với VnExpress, ông Vũ Minh Anh - Lãnh sự danh dự Lãnh sự quán Mexico tại TP HCM nói, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế hơn hẳn các quốc gia trong khu vực. Trước hết, cả hai quốc gia đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nhiều ưu đãi nhất định. Cả hai cũng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và cơ cấu kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ song phương đẩy mạnh quan hệ hợp tác, giao thương giúp môi trường đầu tư thêm rộng mở.
Ông gợi ý, ngoài việc đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp Việt nên "thay đổi tư duy theo hướng dây chuyền cung ứng toàn cầu". Thay vì dồn nhiều nguồn lực đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp có thể tìm đối tác Mexico để thực hiện liên doanh, tận dụng thế mạnh của nhau nhằm sản xuất hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho các thị trường khó tính và có yêu cầu cao.
Trong nhiều năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico có xu hướng tăng và cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 5,4 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico ước đạt 4,5 tỷ USD.
Tính riêng 11 tháng năm ngoái, Việt Nam chuộng bán thủy sản cho Mexico, kim ngạch nhóm này tăng 45%. Cá ba sa là nông sản chính khi xuất sang thị trường này, nhờ được hưởng thuế suất 0%. Ngoài ra, cà phê, cao su, điện thoại các loại và linh kiện, linh kiện và phụ tùng ôtô cũng là thế mạnh. Tuy xuất siêu liên tiếp, phần lớn trong số đó là hàng hóa trung gian, tỷ lệ "made in Vietnam" không lớn.
Thời gian tới, Việt Nam muốn nâng cao hơn giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với Mexico, tập trung vào các lĩnh vực gồm năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn. Về phía Mexico, nước này cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi CPTPP có hiệu lực (tức đầu năm 2029).
Tất Đạt