Tương tự mô hình như Dall-E, Midjourney và Stable Diffusion, Imagine with Meta AI có thể sáng tạo một loạt hình ảnh dựa trên văn bản mô tả do người dùng nhập vào công cụ. Nội dung càng chi tiết, hình ảnh càng theo ý của người dùng.
Meta cho biết công cụ sử dụng mô hình trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tạo ảnh riêng của công ty có tên Emu. Người dùng sẽ nhận được bốn ảnh trong mỗi lần nhập văn bản. Công cụ hiện được triển khai thử nghiệm tại Mỹ.
"Chúng tôi rất vui khi mọi người có thể sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo nên hình ảnh chứa nội dung thú vị và sáng tạo", đại diện Meta nói.
Công ty sử dụng dữ liệu từ hơn 1,1 tỷ bức ảnh đăng công khai trên Facebook và Instagram để đào tạo Emu. Theo Arstechnica, nếu người dùng đang sử dụng hai nền tảng mạng xã hội này, rất có thể các bức ảnh cá nhân của họ hiện nằm trong cơ sở dữ liệu AI phục vụ quá trình tạo ảnh.
Trước đó, tại sự kiện Meta Connect 2023 cuối tháng 9, Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách vấn đề toàn cầu của Meta xác nhận công ty sử dụng bài đăng công khai trên Facebook và Instagram làm dữ liệu huấn luyện các mô hình AI.
Tuy nhiên, Gizmodo đánh giá hình ảnh do Imagine with Meta AI tạo ra không quá ấn tượng và còn nhiều lỗi. So với Dall-E, Midjourney và thậm chí cả đối thủ nhỏ hơn như Playground AI, sản phẩm của Meta cho ra những bức ảnh "trông rất giả", tồn tại một số chi tiết bất hợp lý.
Bên cạnh làn sóng tạo chatbot như ChatGPT hay Google Bard, lĩnh vực AI cũng chứng kiến cuộc đua giữa các mô hình có khả năng tạo ảnh như thật thông qua đoạn mô tả ngắn bằng văn bản. Dù vậy, thời gian qua, những công cụ dạng này liên tiếp gây tranh cãi khi cho ra đời những bức ảnh giả trông như thật, có thể được sử dụng để phát tán tin giả, lừa đảo hoặc các mục đích xấu khác.
Bảo Lâm