Từ giữa tháng 8, trên các mạng xã hội Facebook, Instagram tràn ngập ảnh chân dung và phong cảnh theo phong cách anime do Loopsie, hoạt động trên iPhone, tạo ra. Trên App Store chiều 23/8, Loopsie vươn lên trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất ở Việt Nam.
"Chưa bao giờ tạo ảnh hoạt hình dễ đến vậy", Đức Duy, nhân viên văn phòng 25 tuổi tại Hà Nội, cho hay. Từ khi biết đến ứng dụng mới đầu tuần này, anh đã thử biến hàng loạt ảnh của mình thành hoạt hình để đăng lên Facebook. "Phần lớn cho kết quả khá ưng ý, dù một số tình huống nhận diện sai, như ở ảnh nhiều chi tiết hoặc chi tiết phức tạp", Duy nhận xét.
Từng sử dụng nhiều app chỉnh ảnh, Duy đánh giá Loopsie trên iPhone có cơ chế hoạt động giống phần lớn ứng dụng hiện nay. Người dùng chỉ cần đưa ảnh chụp vào, sau đó ứng dụng nhận dạng và tái hiện thành tranh vẽ theo các phong cách khác nhau. Điểm mới khiến Loopsie gây sốt ở Việt Nam là có bộ lọc mang tên Old School Anime, hỗ trợ tạo theo phong cách hoạt hình Nhật Bản.
Trong khi đó, Ngọc Ánh (Hà Nội) cho biết cô yêu thích truyện tranh từ nhỏ. Khi bạn bè khoe tranh mô phỏng ảnh chụp, cô cũng lập tức dùng thử và hứng thú ngay từ những lần đầu tiên. "Khác với các ứng dụng trước đây vốn chỉ tập trung vào khuôn mặt, Loopsie tái hiện và thay đổi cả khung cảnh xung quanh, vì vậy hình ảnh đẹp mắt, nhiều màu sắc", cô cho hay.
Tuy nhiên, điểm trừ là ứng dụng hoàn toàn tự động, người dùng không thể can thiệp. Trong một số trường hợp, ứng dụng tự bổ sung chi tiết khiến kết quả khác hẳn bản gốc. Ví dụ ứng dụng tự thêm quần áo, tóc vào ảnh tắm biển, ảnh người để đầu trọc.
Loopsie đã ra mắt từ 2018, do công ty có trụ sở tại Italy phát triển, trước đây tập trung vào tính năng tạo hình động, video từ ảnh tĩnh. Sau khi công nghệ AI chuyên về hình ảnh rộ lên cuối năm ngoái, nhà phát triển bổ sung tính năng liên quan đến ảnh nghệ thuật. Tính năng này mới có trên iOS, chưa hoạt động trên thiết bị Android.
Để sử dụng, người dùng cần tải app với dung lượng gần 200 MB, đồng thời cho phép ứng dụng truy cập vào kho ảnh. Thử nghiệm thực tế cho thấy, việc tạo một ảnh mất khoảng 20-30 giây, có bề ngang tối đa 1.024 pixel.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, nhà sáng lập dự án Antory chuyên ứng dụng AI vào sáng tác truyện tranh, ứng dụng biến ảnh thành tranh vẽ thực tế đã có từ lâu. Tuy nhiên, nhờ tích hợp giải pháp AI tiên tiến như Stable Diffusion, Loopsie đem đến tác phẩm có chất lượng cao hơn, sát với ảnh gốc, cùng trải nghiệm đơn giản và có thể thực hiện ngay trên điện thoại. "Đây có thể là lý do ứng dụng này được nhiều người quan tâm", ông Khánh đánh giá.
Để sử dụng lâu dài, người dùng cần trả phí 69.000 đồng mỗi tuần hoặc cao nhất 1,35 triệu đồng một năm. Theo ông Khánh, đây là số tiền không nhỏ đối với nhu cầu làm ảnh "cho vui" của nhiều người Việt. Tuy nhiên, ngoài khả năng tạo ảnh để đăng mạng xã hội, nhà sáng lập AIcomic đánh giá người dùng hoàn toàn có thể tận dụng công cụ để xây dựng sản phẩm như truyện tranh, phim hoạt hình ngắn. "Với tiềm năng như vậy, số tiền bỏ ra không quá cao, nhất là khi các ứng dụng AI hiện nay cần lượng tài nguyên máy tính lớn, đồng nghĩa với chi phí tạo tranh không hề nhỏ", ông nói.
Nguy cơ về dữ liệu cá nhân
Tuy vậy, tương tự các ứng dụng liên quan đến hình ảnh, Loopsie yêu cầu quyền truy cập vào kho ảnh của người dùng, camera điện thoại và một số quyền khác như thông tin email, truy cập Internet. Các dữ liệu này ngoài việc hỗ trợ tạo ảnh, video còn có thể được sử dụng cho việc quảng cáo, liên hệ với người dùng, phân tích ứng dụng, từ đó tiềm ẩn nguy cơ về dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, ngay sau khi tải về, Loopsie yêu cầu người dùng đăng ký thuê bao tối thiểu theo tuần để sử dụng. Khoản tiền này sẽ được tính sau ba ngày miễn phí. Trong trường hợp không muốn duy trì, người dùng có thể vào mục Cài đặt > Apple ID > Đăng ký và tùy chỉnh với thuê bao Loopsie.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ tại công ty an ninh mạng NSC, chỉnh sửa, tạo hiệu ứng cho ảnh luôn là một nhu cầu không thể thiếu của người dùng với mong muốn có được nhiều tác phẩm độc, lạ theo ý muốn. Với sự hỗ trợ của AI, những ứng dụng này ngày càng có sức hút lớn và nhanh chóng được phổ biến, lan truyền tới nhiều người dùng.
Tuy nhiên, ông lưu ý: "Để xử lý ảnh, hình ảnh sẽ được tải lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy sẽ có nguy cơ về lộ lọt dữ liệu. Người dùng không nên đưa ảnh nhạy cảm, riêng tư vào app".
Bên cạnh đó, khi "giao" nhiều ảnh cho một hệ thống khác, người dùng không còn kiểm soát được hình ảnh của chính mình. "Nếu kho ảnh rơi vào tay kẻ xấu, chúng có thể cho AI học, dùng deepfake để tạo ra ảnh và video giả mạo cho các mục đích khác nhau, thậm chí lừa đảo", ông Sơn khuyến cáo. "Trong mọi tình huống, kể cả với trào lưu mới, người dùng cần thận trọng, không nên vì vài phút vui trên mạng xã hội mà đánh đổi dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu khuôn mặt của mình".
Lưu Quý