Nghiên cứu được công bố trên tạp chí nhiếp ảnh Everypixel Journal đã tổng hợp số lượng ảnh được tạo từ các công cụ Dall-E, Midjourney, Stable Diffusion và Adobe Firefly và so sánh với lịch sử của ngành kể từ năm 1826, khi bức hình đầu tiên được chụp. Một báo cáo năm 2011 xác nhận lĩnh vực nhiếp ảnh có tấm hình thứ 15 tỷ vào năm 1975 trong khi các công cụ AI đã tạo ra con số tương tự chỉ sau một năm xuất hiện.
Theo OpenAI, người dùng nền tảng vẽ tranh Dall-E của công ty đã tạo khoảng 916 triệu tấm hình trong vòng 15 tháng. Midjouney, một trong những AI vẽ ảnh nổi tiếng hàng đầu thế giới, cũng nhận khoảng 20-40 yêu cầu mỗi giây. Với trên 15 triệu người đăng ký sử dụng, có 2,5 triệu ảnh ra đời mỗi ngày. Kể từ khi ra mắt tháng 7/2022 đến nay, Midjourney "vẽ" hơn 964 triệu hình dựa theo các số liệu tính toán trên.
Do là phần mềm nguồn mở và được tích hợp vào nhiều ứng dụng khác nhau, rất khó tính toán số ảnh Stable Diffusion đã tạo ra. Nền tảng sở hữu công nghệ này ước tính đã sản xuất 690 triệu ảnh, nhưng hàng loạt công ty đang sử dụng phần mềm cho rằng con số tổng phải trên 12,5 tỷ, chiếm 80% số lượng ảnh do AI tạo ra trên toàn cầu.
Trong khi đó, công ty phát hành Adobe Firefly khẳng định AI của họ đã tạo ra hơn một tỷ bức ảnh chỉ sau ba tháng ra mắt.
Theo Petapixel, các dữ liệu trên không hoàn toàn chính xác, chỉ mang tính tham khảo. Bản thân các tác giả trong nghiên cứu cũng thừa nhận còn những giới hạn về thống kê, có thể kể đến quy trình thực hiện dựa trên "nguồn dữ liệu có sẵn và phép ngoại suy".
Bên cạnh đó, năm 1975 chưa có ảnh kỹ thuật số. Quá trình chụp ảnh cơ truyền thống đòi hỏi nhiều công sức, không đơn giản như dùng smartphone ghi lại khoảnh khắc ngày nay. Một nghiên cứu của chuỗi cửa hàng chuyên về camera tại Anh cho thấy có tới 1.800 tỷ bức ảnh được chụp mỗi năm, tương đương 196 triệu tấm mỗi giờ, một phần lớn nhờ sự phổ biến của smartphone trên thế giới.
Tuấn Hưng