Phong cách chính trị dựa vào phân tích từng hỗ trợ đắc lực cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, như trong việc nghiên cứu kết quả thăm dò để vạch ra chiến lược xoay quanh những vấn đề sẽ giúp bà lôi kéo được cử tri và giành chiến thắng.
Tư duy khoa học cũng từng giúp Merkel lãnh đạo nước Đức phản ứng thành công trước Covid-19 trong giai đoạn đầu. Bà xem xét kỹ lưỡng từng thông tin mới, cẩn thận tham vấn các chuyên gia, thuyết phục được lãnh đạo các bang ủng hộ chiến lược quốc gia về xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, giúp giữ tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở mức rất thấp.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính phong cách này giờ đây lại khiến Thủ tướng Đức trở nên lúng túng, giữa lúc đất nước cần sự lãnh đạo mạnh mẽ và thông điệp rõ ràng trước những diễn biến phức tạp của Covid-19 và chiến dịch tiêm chủng vướng nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, quyền lực của bà cũng dần suy yếu vào "buổi hoàng hôn nhiệm kỳ", khi người Đức sẽ bỏ phiếu bầu chính phủ mới vào ngày 26/9.
"Angela Merkel là người luôn suy nghĩ thấu đáo mọi thứ đến tận cùng. Nhưng bây giờ, khi nhiệm kỳ của bà ấy chỉ còn vài tháng, không có mục tiêu cuối cùng nào cả. Điểm kết thúc chính là cuộc bầu cử vào tháng 9", Michael Koss, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Leuphana - Luneburg của Đức, nhận định.
Rắc rối với bà Merkel được thể hiện rõ trong nỗ lực gần đây, nhằm siết chặt các lệnh hạn chế giúp phòng chống Covid-19 vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh, bao gồm đóng cửa doanh nghiệp và hạn chế tụ tập. Kế hoạch của bà được các thống đốc địa phương đồng ý, nhưng ngay lập tức đối mặt với sự phẫn nộ từ công chúng và giới lãnh đạo doanh nghiệp.
Chỉ 36 giờ sau khi thống nhất với các lãnh đạo bang kế hoạch siết chặt quy định hạn chế vào dịp lễ Phục sinh, bà Merkel từ bỏ ý định và chấp nhận chỉ trích. "Sai lầm này là của riêng tôi. Toàn bộ quá trình này khiến mọi thứ trở nên mông lung hơn. Tôi muốn mọi người dân hãy tha thứ cho tôi", Thủ tướng Đức phát biểu hôm 24/3.
Lời xin lỗi của bà Merkel nhận được sự tôn trọng từ giới chính trị gia, nhưng không để lại nhiều ấn tượng với công chúng, khi họ phải chật vật để hiểu một hệ thống phong tỏa gồm các quy định phức tạp của Đức.
4 tuần trước, 52% người Đức cho biết họ cảm thấy chính phủ đang làm tốt việc ứng phó đại dịch, theo khảo sát được thực hiện thường xuyên của Politbarometer. Đến cuối tuần trước, con số này còn 38%.
"Người dân đang vô cùng mất niềm tin vào chính phủ và Merkel không muốn chấp nhận điều đó. Bằng cách xin lỗi, bà ấy muốn truyền đi thông điệp rằng mình vẫn chịu trách nhiệm, có thể tin tưởng được, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục làm việc để đưa đất nước thoát khỏi đại dịch", Uwe Jun, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Trier, nhận định.
Vài ngày sau khi xin lỗi, Merkel xuất hiện trong chương trình trò chuyện vào tối 28/3 trên kênh truyền hình hàng đầu đất nước ARD, động thái mà Jun lưu ý rằng bà chỉ thực hiện khi cảm thấy cần tiếp cận công chúng.
Nhưng thay vì đưa ra các đề xuất cụ thể để thay thế lệnh phong tỏa 5 ngày vào lễ Phục sinh, Merkel xin lỗi một lần nữa và nói rằng các bang cũng phải chịu trách nhiệm vì chống dịch lỏng lẻo. "Merkel cần nêu những đề xuất cụ thể mà bà ấy muốn bây giờ, cũng các dự định", Jun nhận xét.
Một vấn đề nữa mà người Đức đang muốn chính phủ làm rõ là chương trình tiêm chủng của đất nước. Chiến dịch được khởi động từ cuối tháng 12/2020, với mỗi bang được giao nhiệm vụ thiết lập các trung tâm tiêm chủng riêng, nhưng quá trình triển khai lại quá chậm chạp, phần lớn bởi thiếu nguồn cung. Tình huống này đặc biệt gây phẫn nộ bởi Đức là nơi phát triển vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech.
Hôm 30/3, Đức tuyên bố tạm ngừng sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi do lo ngại tình trạng đông máu, gây thêm hỗn loạn đối với chương trình tiêm chủng và làm dấy lên chỉ trích vì phản ứng thái quá. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng nói rằng các trường hợp xuất hiện huyết khối tĩnh mạch não rất hiếm, nên không coi đây là cơ sở để ra lệnh ngừng tiêm vaccine AstraZeneca.
Toàn bộ 92% người Đức được khảo sát trong tháng này đánh giá chiến dịch tiêm chủng Covid-19 của đất nước đang diễn ra không tốt. Việc trung tâm tiêm chủng tại nhiều bang đóng cửa vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh làm dấy lên phẫn nộ, mặc dù giới chức giải thích lý do là không có đủ nguồn cung.
Bà Merkel cũng không thể thuyết phục được các thống đốc đoàn kết và ủng hộ lệnh phong tỏa toàn quốc, khi nhiều người trong số họ đang vận động tranh cử. Giới chuyên gia y tế cho biết đây là việc Đức cần làm trước sự tấn công của biến chủng nCoV từ Anh, có khả năng lây lan nhanh hơn, gây ra làn sóng đại dịch thứ ba tại đất nước.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 28/3, bà Merkel cảnh báo sẽ tập trung hóa quyền lực vào tay Thủ tướng nếu các lãnh đạo bang phớt lờ việc cần siết chặt hơn hạn chế di chuyển. Quốc hội có thể hỗ trợ động thái này bằng cách sửa đổi luật quản lý y tế cộng đồng trong đại dịch. Ngay cả các thành viên phe đối lập cũng ủng hộ việc gia tăng quyền lực Thủ tướng dựa trên hoàn cảnh hiện nay.
"Thế giằng co giữa các lãnh đạo bang và liên bang đang cản trở hành động hợp lý. Vấn đề là cuộc tranh luận có thể mất vài tuần hoặc vài tháng, nhưng chúng ta cần hành động ngay bây giờ", Janosch Dahmen, nghị sĩ thuộc đảng Xanh đối lập, cho hay.
Trong thông điệp chúc mừng lễ Phục sinh, bà Merkel kêu gọi người Đức ở nhà, tận dụng dịch vụ xét nghiệm miễn phí đang được triển khai tại rất nhiều bang, đồng thời nuôi hy vọng có thêm vaccine Covid-19.
"Lễ Phục sinh nên diễn ra trong lặng lẽ, với những nhóm nhỏ thật hạn chế tiếp xúc. Tôi kêu gọi mọi người cố kìm những chuyến đi không thiết yếu, nhất quán tuân thủ tất cả quy tắc. Cùng nhau, chúng ta sẽ đánh bại virus này", Thủ tướng Đức nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times, AFP)