Tối 18/3, trong một bài phát biểu hiếm hoi trên sóng truyền hình quốc gia, Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc giục tất cả người dân nhận thức rõ những rủi ro và nguy hiểm mà đại dịch Covid-19 mang đến, đồng thời làm phần việc của mình để giúp ngăn dịch lây lan trong cộng đồng. Bài phát biểu của bà được đưa ra một ngày sau khi Đức công bố các biện pháp hạn chế quyết liệt nhằm chống Covid-19, trong bối cảnh nước này đã ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm và 44 ca tử vong vì nCoV. Số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng nhanh.
"Tình hình đang rất nghiêm trọng. Hãy nghiêm túc nhìn nhận. Kể từ khi nước Đức thống nhất, không, kể từ Thế chiến II đến nay, chưa có thách thức quốc gia nào đòi hỏi một mức độ hành động đồng lòng và thống nhất đến như vậy", bà nhấn mạnh.
Không giống như Italy, Pháp hay Tây Ban Nha, Đức vẫn chưa áp lệnh phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, Berlin đã cấm nhập cảnh đối với tất cả công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU), hạn chế đi lại và đóng cửa nhiều địa điểm công cộng, thương mại, cơ sở giáo dục.
Merkel mong muốn người dân Đức nghiêm chỉnh tuân thủ những biện pháp mà chính phủ đề ra, khẳng định cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 thành công hay thất bại phụ thuộc vào việc mỗi người phải hoàn thành phận sự của mình.
"Tôi tin tưởng chúng ta sẽ thành công với nhiệm vụ phía trước, miễn là tất cả người dân trên đất nước này hiểu rằng đấy cũng là nhiệm vụ của các bạn", bà quả quyết. "Tôi còn muốn nói với các bạn vì sao chúng ta cần tới sự đóng góp của mọi người và mỗi người có thể làm gì để giúp đỡ".
Trước đó, các chuyên gia y tế cảnh báo số ca nhiễm nCoV ở Đức có thể lên đến 10 triệu ca trong những tháng tới nếu người dân không làm theo các biện pháp của chính quyền nhằm làm chậm tốc độ dịch lây lan. Thủ tướng Merkel cũng từng nói 70% dân số Đức (khoảng 83 triệu người) có thể nhiễm bệnh.
Đây là lần đầu tiên trong gần 15 năm cầm quyền Merkel có một bài phát biểu trực tiếp, không được lên kế hoạch tới người dân cả nước. Thủ tướng Đức đưa ra những nhận định cá nhân, điều bà hiếm khi làm, và hứa đảm bảo sự minh bạch thông tin từ chính quyền.
"Hôm nay tôi nói với quý vị bằng một cách thức không bình thường, vì tôi muốn nói rõ, cá nhân tôi với tư cách là thủ tướng cũng như toàn bộ thành viên nội các những ngày này hành động ra sao. Chúng tôi muốn đưa ra những quyết sách chính trị một cách minh bạch và có giải thích, điều đó thuộc về một nền dân chủ công khai", bà tuyên bố.
"Các biện pháp hạn chế chỉ nên được đưa ra khi chúng thực sự cần thiết. Trong một nền dân chủ, chúng không nên được áp dụng tùy tiện và chỉ nên là tạm thời. Nhưng hiện nay, chúng thực sự cần thiết để cứu sống con người", Thủ tướng Merkel nói. "Chúng ta là một cộng đồng mà mỗi mạng sống, mỗi con người đều đáng quý".
Như trong những tuyên bố trước đây về nCoV, Merkel tiếp tục đề cao sự cần thiết của biện pháp "cách biệt cộng đồng". "Tất cả phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta không được bất lực cam chịu nhìn virus lây lan. Chúng ta phải chiến đấu chống lại nó: Chúng ta phải thực hành cách biệt cộng đồng", bà cho hay.
Thủ tướng Merkel cảm ơn nỗ lực của các chuyên gia y tế và cả những nhân viên siêu thị, đồng thời trấn an người dân rằng cửa hàng sẽ không bao giờ thiếu thực phẩm. Đức tuần trước trải qua một cơn hoảng loạn mua sắm khi người dân đổ xô đi tích trữ nhu yếu phẩm.
Bà cũng nhấn mạnh nước Đức "cần làm bất cứ điều gì cần thiết" để đưa nền kinh tế và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm chao đảo thị trường chứng khoán và đóng băng hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Các ngân hàng Đức dự đoán GDP của nước này năm nay giảm 5%.
Khi mà số ca nhiễm vẫn tăng lên từng ngày, Merkel gọi đây là một "tình huống cấp bách", khẳng định chính phủ sẽ "tiếp tục học hỏi để có thể thay đổi chiến lược bất cứ lúc nào và thực hiện nhiều bước đi cũng như công cụ khác nhau".
Kênh truyền hình NTV cùng nhiều tờ báo Đức đã gọi bài phát biểu của Thủ tướng Merkel là "lời cảnh báo cuối cùng" nhằm tránh kịch bản phong tỏa bắt buộc. Báo Bild gọi đây là một bài phát biểu "lịch sử", gây xúc động, đánh dấu sự thay đổi giọng điệu của một "thủ tướng thường rất tỉnh táo".
Theo bình luận viên Martin Muno từ DW, Thủ tướng Merkel luôn là người cẩn trọng khi lựa chọn ngôn từ. Là một nhà kỹ trị, bà thích sử dụng nhiều số liệu, đánh giá, phân tích trong các bài phát biểu. Chưa kể, Merkel luôn tỏ ra lạc quan trước mọi thách thức. Vậy nên, khi người phụ nữ đã dẫn dắt nước Đức gần 15 năm qua đưa ra bài phát biểu đột xuất trên truyền hình, gửi trực tiếp tới tất cả người dân và so sánh dịch bệnh với một cuộc chiến tranh đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng trên toàn thế giới, tất cả mọi người đều hiểu được tính nghiêm trọng của vấn đề. Bài phát biểu không khác gì "một lời cảnh tỉnh".
Ở vào thời đại mà tin tức giả mạo tràn ngập cùng với sự trỗi dậy của các nhà lãnh đạo dân túy, cách tiếp cận vấn đề như một nhà khoa học của Merkel gần như đã lỗi thời. Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát, đây lại được cho là phẩm chất quan trọng nhất giúp bà trấn an người dân Đức và thuyết phục họ tuân thủ những biện pháp nghiêm ngặt mà chính quyền đưa ra nhằm chặn đứng Covid-19, bình luận viên Arne Delfs và Patrick Donahue từ Bloomberg đánh giá.
Covid-19 đánh dấu lần đầu tiên trong hơn 70 năm lịch sử hậu chiến của Đức, người dân phải đối diện với một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn nguy cơ phá hủy kết cấu xã hội quốc gia. Ở thời khắc quan trọng như thế, Merkel dường như là người được tin tưởng hơn bất kỳ chính trị gia nào khác, Ulrich Sarcinelli, nhà khoa học chính trị tại Đại học Koblenz-Landau, nhận định.
"Bà ấy hành động như thể một bác sĩ đang kê đơn cho bệnh nhân nhưng cũng đồng thời làm rõ rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu họ không dùng thuốc", Sarcinelli cho hay. "Người dân rõ ràng luôn mong muốn một lãnh đạo có kinh nghiệm như thế".
Trong khi đó, nhà sử gia kiêm tác giả người Anh Timothy Garton Ash gọi bài phát biểu của Thủ tướng Merkel là "một bài học về dân chủ, đoàn kết và trách nhiệm cá nhân được trình bày bằng sức mạnh, sự rõ ràng và tình cảm nồng ấm thực sự".
"Đó mới là lãnh đạo. Đó mới là Angela Merkel. Đó mới là giao tiếp thời khủng hoảng. Minh bạch, đồng cảm và khích lệ, bài phát biểu của Merkel đã tổng kết mọi thứ", cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb nhận xét trên Twitter.
Vũ Hoàng (Theo DW, Bloomberg)