Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết tiêm kích J-10 Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở phía tây nam hòn đảo vào trưa 19/6, song không nêu rõ số lượng. Lực lượng vũ trang Đài Loan sau đó phát cảnh báo và điều chiến đấu cơ xua đuổi, khiến tiêm kích J-10 rời đi. "Tình hình đã trở lại bình thường", đại diện cơ quan phòng vệ hòn đảo cho biết.
Đây là lần thứ 4 tiêm kích Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan trong tuần, cũng là lần thứ 6 kể từ đầu tháng đến nay. Một số tiêm kích Su-30 tiếp cận Đài Loan hôm 9/6, khiến hòn đảo điều chiến đấu cơ xua đuổi. Ba ngày sau, Đài Loan điều tiêm kích để ngăn vận tải cơ Y-8 xâm nhập. Tiêm kích J-10 tiếp tục áp sát Đài Loan hôm 16 và 17/6, chỉ rời đi sau khi nhận cảnh báo qua vô tuyến.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về những hoạt động này
Bắc Kinh chưa cho biết lý do tăng cường hoạt động quân sự quanh đảo Đài Loan trong thời gian gần đây. Giới chức Trung Quốc thường tuyên bố các cuộc diễn tập là hoạt động thường lệ và thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền.
Các chuyến bay tiếp cận Đài Loan dường như là phản ứng của Bắc Kinh sau khi Washington cho vận tải cơ bay qua rìa phía tây hòn đảo, đồng thời răn đe vụ Đài Bắc phóng hai tên lửa hôm 11/6. Vụ thử tên lửa này nằm trong chương trình phát triển tên lửa nhằm tăng năng lực phòng thủ của Đài Loan trước đại lục.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh gần đây gia tăng áp lực với Đài Bắc, đe dọa hòn đảo sẽ phải "trả giá" nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Quân đội Trung Quốc nhiều lần tổ chức diễn tập quy mô lớn quanh đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất trong biên chế.
Giới chức Đài Loan ngày càng lo ngại Trung Quốc đại lục đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm "xóa nhòa ranh giới" với hòn đảo sau khi kiểm soát được Covid-19. Các chuyên gia nhận định hoạt động áp sát đảo Đài Loan của PLAAF nằm dưới ngưỡng chiến tranh song giúp Trung Quốc đại lục tăng kiểm soát ở khu vực về mặt quân sự.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)