Một vận tải cơ C-40A Clipper, phiên bản quân sự của mẫu máy bay chở khách Boeing 737, ngày 9/6 thực hiện hành trình bay bất thường khi cất cánh từ Okinawa, Nhật Bản tới Đông Nam Á. Thay vì bay qua vùng biển phía đông đảo Đài Loan như thường lệ, chiếc C-40A đột nhiên chuyển hướng, bay dọc rìa phía tây của hòn đảo, giáp Trung Quốc đại lục, theo tài khoản Golf9 chuyên theo dõi các lực lượng không quân trên thế giới.
Hành trình khác thường của vận tải cơ này được coi là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng của Mỹ đối với Đài Loan, trong bối cảnh Trung Quốc đại lục gần đây tăng cường các hoạt động diễn tập quân sự gần hòn đảo.
Tuy nhiên, nó cũng châm ngòi cho phản ứng giận dữ của Trung Quốc. Không quân Trung Quốc ngày 10/6 đáp trả bằng cách điều tiêm kích Su-30 bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Cơ quan phòng vệ Đài Loan phát cảnh báo bằng lời, sau đó điều tiêm kích F-16V lên "xua đuổi" chiến đấu cơ Su-30 Trung Quốc.
"Chuyến bay hiếm hoi của vận tải cơ Mỹ cho thấy hợp tác ngày càng tăng giữa quân đội Mỹ và những kẻ ly khai ở Đài Loan. Tiêm kích phản lực của Trung Quốc đại lục xuất kích và tiếp cận để gửi cho họ cảnh báo mạnh mẽ, đồng thời thể hiện Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) quyết tâm và sẵn sàng thế nào cho chiến tranh", Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin ngày 10/6.
Chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Bắc Kinh thì cho rằng việc tiêm kích Su-30 của PLA tiến vào ADIZ của Đài Loan "nhiều khả năng cao nhằm đáp trả hành động gây hấn của máy bay quân sự Mỹ". Chuyên gia Song nhận định chuyến bay của vận tải cơ C-40A Mỹ có thể được coi là một lần diễn tập quân sự chung, cho thấy "Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan trong chiến tranh và cổ vũ những kẻ ly khai trên hòn đảo chống lại đại lục".
Song cũng cho biết hành động tiêm kích Su-30 xâm nhập ADIZ Đài Loan là động thái có chủ đích của PLA. "Lần này họ bay gần hơn về phía tây nam ADIZ của hòn đảo nhằm thể hiện quyết tâm và khả năng của PLA. Điều này cũng sẽ trở nên đều đặn và thường xuyên hơn", Song nói.
Đài Loan gần đây cáo buộc Trung Quốc đại lục đẩy mạnh hoạt động quân sự ở khu vực xung quanh hòn đảo, coi đây là hành động có chủ ý nhằm đe dọa giới chức Đài Loan sau khi lãnh đạo Thái Anh Văn nhậm chức nhiệm kỳ hai.
Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định các cuộc diễn tập quân sự này không có gì bất thường và chúng "diễn ra trên lãnh thổ" Trung Quốc.
Phát ngôn viên PLA Ngô Khiêm hồi tháng 5 tuyên bố "Đài Loan là một phần không thể nhượng lại và là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ hành vi can thiệp nào của nước khác".
"PLA có ý chí vững chắc, đủ tự tin và khả năng để ngăn chặn mọi nỗ lực ly khai của các lực lượng nước ngoài. PLA sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan", Ngô Khiêm nói.
Nguyễn Tiến (Theo News.com.au)