Máy bay nghiên cứu M-55 được phát triển từ Subject 34
Thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ triển khai hàng trăm khinh khí cầu tầm cao để thu thập thông tin tình báo trên lãnh thổ Liên Xô. Chúng rất khó bị phát hiện, thường bay ở độ cao tới 30 km, ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không khi đó. Điều này buộc Liên Xô phát triển tiêm kích chuyên bắn hạ khí cầu có tên gọi Subject 34 "Chaika" (Chim hải âu), theo War Is Boring.
Subject 34 là sản phẩm của Phòng thiết kế (OKB) Myasishchev, nơi chịu trách nhiệm thiết kế máy bay ném bom hạt nhân M-60 và oanh tạc cơ chiến lược M-4. Phòng thiết kế này đề xuất mẫu Subject 34 dựa trên dòng phi cơ nghiên cứu địa lý tầm cao M-55.
Đây là chiếc đầu tiên trong dòng tiêm kích tầm siêu cao của OKB Myasishchev. Máy bay được trang bị một động cơ phản lực RD-36-52 có lực đẩy hơn 13.000 kgf. Biệt danh "Chim hải âu" được đặt do hình dáng thân dài, đôi cánh cong giống chim hải âu bay ngược.
Vũ khí chính của Subject 34 là hai pháo GSh-23 cỡ nòng 23 mm với tổng cộng 1.200 viên đạn. Chúng được đặt trong ụ pháo trên lưng máy bay và được điều khiển từ xa. Ngoài ra, tiêm kích này cũng có thể lắp thêm hai tên lửa đối không và một radar mũi để tìm kiếm mục tiêu.
Tuy nhiên khả năng tác chiến của Subject 34 chưa bao giờ được kiểm chứng trong thực tế. Trong lần thử nghiệm mặt đất ngày 24/12/1978, một trận bão tuyết xảy ra tại sân bay khiến phi công buộc phải cất cánh để tránh chướng ngại vật. Chiếc tiêm kích đâm vào núi sau đó, trong điều kiện tầm nhìn bằng không.
Vụ tai nạn buộc Liên Xô thiết kế lại Chaika và cho ra mắt chiến đấu cơ M-17 Stratosphera. Thay đổi lớn nhất là đôi cánh cong chuyển thành cánh thẳng, phần mũi cánh thuôn nhọn, cũng như trang bị động cơ RD-36-51V, phát triển từ mẫu động cơ trên máy bay chở khách siêu âm Tu-144.
Vào cuối thập niên 1970, Mỹ dừng chương trình do thám bằng khí cầu để tập trung vào vệ tinh trinh sát, khiến Liên Xô không còn sở hữu tiêm kích đánh chặn khí cầu. Phiên bản M-17 Stratosphera chủ yếu đóng vai trò máy bay trinh sát, tương tự dòng U-2 của Mỹ nhưng có kích thước lớn hơn.
Ngoài phiên bản trinh sát, Liên Xô còn sản xuất ít nhất hai chiếc M-17 đặc biệt. Chiếc đầu tiên có số đuôi CCCP-17103 được trang bị pháo GSh-23 giống Subject 34, trong khi chiếc còn lại có số đuôi CCCP-17401 được lắp nhiều hệ thống cảm biến hiện đại nhưng không mang vũ khí.
Dựa trên mẫu M-17, Liên Xô tiếp tục cho phát triển máy bay M-55 Geophysica vào năm 1985 với số lượng 4 chiếc. Chúng được thiết kế cho nghiên cứu khoa học môi trường, một số chiếc vẫn còn trong biên chế cho tới nay.
Duy Sơn