Vào cuối thập niên 1960, Liên Xô tiến hành chương trình tên lửa đạn đạo tuyệt mật, nhằm đưa đầu đạn hạt nhân vượt qua hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ. Các vụ thử nghiệm gây ra hiện tượng lạ mắt trên bầu trời đêm, khiến nhiều người dân tưởng đó là vật thể bay không xác định (UFO), theo Popular Mechanics.
Mùa xuân năm 1967, những người sống ở miền tây Liên Xô nhìn thấy quầng sáng hình lưỡi liềm có kích thước tương tự Mặt Trăng lúc chạng vạng. Hình lưỡi liềm này xuất hiện tổng cộng 6 lần trong năm 1967, luôn vào cùng một thời điểm trong ngày, trước khi biến mất hoàn toàn.
Báo chí Liên Xô cho rằng những quầng sáng đó là UFO, những nhóm người mê UFO cũng xuất hiện khắp nước này để ghi lại hiện tượng. Nhưng sau lần xuất hiện thứ 6 của quầng sáng, báo chí Liên Xô đột ngột ngừng đưa tin về sự kiện này. Một nguồn tin bí mật ở Moscow nhận ra rằng hình lưỡi liềm trên bầu trời chính là các vụ thử nghiệm vũ khí tuyệt mật, vi phạm nhiều hiệp ước về triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian.
Trên thực tế, đây là những lần phóng thử tên lửa R-36ORB (NATO định danh: SS-9 Scarp Mod 3). Được phát triển từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) R-36, biến thể ORB được thiết kế để bay vào quỹ đạo thấp quanh Trái Đất, sau đó rời quỹ đạo trên không phận Mỹ.
Nếu phóng theo hướng nam, quả đạn R-36ORB có thể bay qua Nam Cực và tấn công Mỹ từ hướng nam, không hề xuất hiện trên mạng lưới radar cảnh báo sớm vốn hướng về phía bắc của nước này. Hành trình này dài hơn hướng bắn qua Bắc Cực, nhưng chứa đựng yếu tố bất ngờ, giúp Liên Xô kích nổ đầu đạn có công phá tương đương 200 quả bom ném xuống Hiroshima ở bất cứ nơi nào họ muốn.
R-36 được coi là vũ khí tấn công phủ đầu, có thể khơi mào chiến tranh hạt nhân, bất ngờ hủy diệt bộ máy lãnh đạo cùng hệ thống chỉ huy hạt nhân của Mỹ. Vấn đề duy nhất của tên lửa này là độ chính xác, khi phạm vi sai lệch mục tiêu của R-36 có thể lên tới 5 km.
Đây có thể không phải là vấn đề quá lớn với đầu đạn hạt nhân cực mạnh, nhưng nó có thể giảm khả năng tiêu diệt được hầm chứa tên lửa của đối phương. Dù vậy, R-36 vẫn có thể xóa sổ Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, máy bay ném bom hạt nhân trên mặt đất và các cơ sở trọng yếu khác của Mỹ trong một cuộc tấn công bất ngờ.
Quân đội Liên Xô tiến hành thử nghiệm R-36 tổng cộng 6 lần, mỗi lần đều vào chính xác một thời điểm trong ngày. Thời điểm này cho phép tên lửa được Mặt Trời chiếu sáng, trong khi camera ghi lại vụ phóng vẫn nằm trong bóng tối. Quầng sáng hình lưỡi liềm được tạo ra khi động cơ hãm trên tên lửa được kích hoạt để quả đạn quay 180 độ trên quỹ đạo.
Quy trình kích hoạt động cơ hãm này tạo thành một hình chữ C rõ nét trên bầu trời lúc hoàng hôn. Nó giúp R-36 giảm tốc độ để vào quỹ đạo thấp quanh Trái Đất, sau đó có thể khởi động lại để rời quỹ đạo và lao xuống mục tiêu.
Liên Xô giải thích rằng đây là hoạt động "phóng vệ tinh nghiên cứu khoa học", nhưng tình báo Mỹ đã phát hiện ra toan tính của Liên Xô. Trong vòng 8 tháng từ lần thử nghiệm đầu tiên của Moscow, Washington tuyên bố R-36 là vũ khí tấn công phủ đầu sử dụng phương thức vào/rời quỹ đạo.
Điều này vi phạm Hiệp ước thượng tầng không gian sắp hoàn thiện vào thời điểm đó, dự kiến cấm việc đưa vũ khí hạt nhân vào quỹ đạo. Hoạt động của Liên Xô cũng bị tố là vi phạm Nghị quyết 1884 của Liên Hợp Quốc, trong đó kêu gọi Mỹ và Liên Xô không đưa vũ khí hạt nhân vào vũ trụ.
Liên Xô không bao giờ công khai thông tin về dự án R-36. Tổng cộng có 18 quả đạn loại này được đặt trong giếng phóng gần Tyuratam, Kazakhstan trước khi bị cấm bởi Hiệp ước kiểm soát vũ trang SALT II.
Mỹ sau đó nhanh chóng triển khai hệ thống radar cảnh báo sớm hướng về phía nam, khiến kế hoạch R-36ORB của Liên Xô trở nên lỗi thời. Liên Xô sau đó cũng phát triển nhiều loại tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có thể tấn công Mỹ từ hướng nam với tốc độ nhanh hơn nhiều, khiến những quầng sáng giống UFO trên bầu trời nước này không còn xuất hiện nữa.
Việt Hòa