Mọi loại vũ khí của Nga và Liên Xô, từ súng bộ binh đến xe tăng và máy bay, đều có tên gọi chính thức bằng ký tự chữ cái và chữ số. Tuy nhiên, chính những biệt danh do nhà sản xuất hoặc đơn vị quân đội đặt ra mới là yếu tố làm người ta nhớ đến chúng, thay vì những định danh kỹ thuật khô khan, theo Sputnik.
Nga và Liên Xô thường đặt biệt danh cho vũ khí dựa trên những loài động thực vật và hiện tượng thiên nhiên. Điển hình là pháo và cối được lấy theo tên các loài hoa, bao gồm tổ hợp pháo cối 2B9 Vasilek (Bồ công anh), 2S1 Gvozdika (Cẩm chướng), 2S3 Akatsiya (Keo châu Phi), 2S4 Tyulpan (Tulip) và 2S7 Pion (Mẫu đơn).
Trong khi đó, các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt lại lấy theo tên các hiện tượng thiên nhiên có sức tàn phá khủng khiếp, như BM-21 "Grad" (Mưa đá), BM-27 "Uragan" (Bão nhiệt đới), BM-30 "Smerch" (Lốc xoáy) và 9A52-4 Tornado (Giông bão). Vũ khí phòng không thường mang biệt danh là tên các dòng sông lớn tại Liên Xô và Nga, bao gồm ZSU-23-4 "Shilka", 2K22 "Tunguska", S-75 "Dvina", S-125 Neva/Pechora và S-200 "Angara".
Ngoài việc lấy biệt danh dựa trên hiện tượng thiên nhiên và tên các loài động thực vật, nhiều vũ khí Liên Xô được đặt tên dựa theo đặc điểm chiến đấu. Tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) R-36M2 mang biệt danh Voevoda (Thần chiến tranh), trong khi NATO lại gọi nó là Satan (Vua quỷ). Cái tên này xuất hiện dựa trên khả năng tàn phá khủng khiếp của R-36M2, vốn mang được 10 đầu đạn riêng rẽ với tổng sức nổ tương đương 670 quả bom ném xuống thành phố Hiroshima.
"Nhiều loại đạn dược có biệt danh mang tính văn thơ như đạn phản lực 122 mm 9M22K có biệt danh Ukrasheniye (Đồ trang trí), còn đạn hóa học MS-24 cỡ 240 mm lại được gọi là Laska (Chim sẻ)", chuyên gia quân sự Andrey Kots cho biết.
Trong khi đó, định danh NATO dành cho vũ khí Nga lại khiến chính người Nga thấy khó hiểu. Nổi bật như oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 được Moscow gọi là "Thiên nga trắng", còn NATO lại gọi nó là "Blackjack", một trò chơi bài. Tuy nhiên, quy tắc định danh khí tài Liên Xô và Nga do NATO đặt ra lại rất đơn giản, nhằm giúp binh sĩ phương Tây dễ dàng nhận dạng và thông báo về khí tài đối phương trong chiến đấu.
NATO thường xếp các vũ khí Liên Xô, Nga có tính năng tương đồng vào cùng một nhóm, sau đó dùng một chữ cái làm ký tự đầu tiên trong biệt danh cho chúng. Với các phiên bản nâng cấp, những chữ cái như "A, B, C" hoặc "Mod" (bản chỉnh sửa) kèm số thứ tự sẽ được bổ sung phía sau định danh. Nguyên tắc này được áp dụng rõ ràng nhất đối với các dòng máy bay chiến đấu.
Mọi loại tiêm kích của Liên Xô và Nga đều có định danh NATO bắt đầu bằng chữ F (Fighter), dù chúng đến từ các phòng thiết kế khác nhau và có nhiệm vụ chiến đấu hoàn toàn tách biệt. Dòng tiêm kích Su-27 nổi tiếng mang định danh "Flanker", trong khi bản nâng cấp Su-30MKK được gọi là "Flanker-G", còn tiêm kích MiG-29 có tên gọi "Fulcrum".
Nguyên tắc này cũng được áp dụng với oanh tạc cơ và máy bay vận tải, tất cả đều bắt đầu bằng chữ B (Bomber) và C (Cargo), như Tu-22M "Backfire", Tu-95 "Bear", Il-76 "Candid" và An-124 "Condor". Ngoài ra, một số phi cơ mang biệt danh bắt đầu bằng chữ cái M (Miscellaneous - hỗn hợp) như máy bay phản lực huấn luyện Yak-130 "Mitten", máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50 "Mainstay" và máy bay tiếp dầu IL-78 "Midas".
"Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, NATO cũng không tuân theo các nguyên tắc định sẵn. Cường kích yểm trợ mặt đất Su-25 lại mang biệt danh Frogfoot, tương tự các dòng tiêm kích", ông Kots cho biết.
Tử Quỳnh