"Trong bối cảnh Ukraine tiếp tục chiến dịch tiến công ở tỉnh Zaporizhzhia, một trong những vũ khí có ảnh hưởng lớn nhất của Nga tại khu vực này là trực thăng vũ trang Ka-52. Moskva nhiều khả năng đã mất 40 chiếc kể từ khi chiến sự bùng phát, nhưng chúng cũng gây thiệt hại nặng nề cho Kiev", báo cáo tình báo được Bộ Quốc phòng Anh công bố tuần trước có đoạn viết.
Anh nhận định Nga đang triển khai đến Ukraine lượng nhỏ biến thể hiện đại hóa Ka-52M của dòng trực thăng vũ trang này. "Một trong những cải tiến then chốt của Ka-52M là khả năng sử dụng Tên lửa Dẫn đường Đa nhiệm Hạng nhẹ (LMUR) với tầm bắn khoảng 15 km. Phi công Nga đã nhanh chóng tận dụng ưu thế của tên lửa này để tấn công mục tiêu tăng thiết giáp từ ngoài tầm đánh trả của phòng không Ukraine", báo cáo có đoạn.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định tên lửa LMUR đang bổ sung năng lực tác chiến đáng kể cho phi đội trực thăng vũ trang Nga, giúp lực lượng này trở thành mối đe dọa ngày càng lớn với tăng thiết giáp và bộ binh Ukraine.
Trực thăng Mi-28 Nga phóng tên lửa LMUR về phía mục tiêu Ukraine. Video: Telegram/Fighter_Bomber
Những chiếc Ka-52 nguyên bản được trang bị tên lửa chống tăng dẫn đường Vikhr với tầm bắn 10 km. Đây là khí tài chủ chốt của phi đội Ka-52, cho phép chúng tấn công và hủy diệt xe tăng, thiết giáp Ukraine từ khoảng cách an toàn.
Tuy nhiên, để dẫn đường cho tên lửa Vikhr, trực thăng Ka-52 phải bay treo tại chỗ hoặc di chuyển rất chậm trong thời gian 20-25 giây để duy trì tầm nhìn thẳng đến mục tiêu. Trong thời gian gần như "bất động" này, phi cơ Nga dễ bị tên lửa phòng không tầm xa dẫn đường bằng radar của đối phương bắn hạ.
LMUR là loại vũ khí khác hoàn toàn với tên lửa Vikhr. Ý tưởng về LMUR được hé lộ lần đầu năm 2007, với mục tiêu là phát triển tên lửa hạng nhẹ cho trực thăng. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga thời điểm đó không đặt hàng loại khí tài này, khiến nhà sản xuất đình chỉ quá trình nghiên cứu.
Dự án LMUR được hồi sinh năm 2012, khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đặt hàng nhà sản xuất KBM phát triển tên lửa đối đất tầm xa cho trực thăng đa dụng Mi-8MNP-2 triển khai ở vùng Kavkaz.
Loại tên lửa này được trang bị đường truyền dữ liệu hai chiều, cho phép quả đạn truyền hình ảnh từ đầu dò về trực thăng và tiếp nhận lệnh điều khiển từ kíp vận hành. FSB muốn kiểm soát đường bay trong suốt quá trình tên lửa lao tới đích, kèm theo khả năng tự hủy sau khi rời bệ phóng.
Quá trình thử nghiệm LMUR trên trực thăng Mi-8MNP-2 diễn ra trong giai đoạn 2015-2016, dây chuyền sản xuất hàng loạt được khởi động sau đó không lâu. Sau khi FSB biên chế loại tên lửa này, Bộ Quốc phòng Nga cũng tỏ ý quan tâm và đặt hàng, bắt đầu thử nghiệm tên lửa LMUR trên trực thăng vũ trang Mi-28NM và Ka-52M.
Quân đội Nga không công bố số lượng tên lửa LMUR đã tiếp nhận, nhưng giới chuyên gia ước tính họ đang biên chế ít nhất 200 quả đạn, chưa kể số lượng sẵn có trong kho dự trữ của FSB. Hợp đồng năm 2018 cho thấy mỗi quả đạn LMUR có giá khoảng 227.000 USD.

Tên lửa LMUR được trưng bày tại triển lãm quốc phòng ở Nga hồi năm 2021. Ảnh: Izvestia
Dù được mô tả là tên lửa hạng nhẹ, LMUR nặng gấp đôi tên lửa Vikhr. Quả đạn LMUR dài gần hai mét, đường kính 0,2 m và nặng 105 kg, trong đó đầu nổ có khối lượng 25 kg, đạt tốc độ tối đa hơn 800 km/h.
LMUR mang đầu dò ảnh nhiệt 9B-7755 do Viện MNITI ở thủ đô Moskva phát triển, cùng hệ thống lái tự động dùng định vị quán tính, thiết bị đo độ cao vô tuyến, bộ định vị vệ tinh tương thích với hệ thống GLONASS Nga và GPS phương Tây. Quả đạn được lắp hai ăng ten cho đường truyền dữ liệu với trực thăng.
Trong chế độ chiến đấu cơ bản, tên lửa được phóng về phía mục tiêu trong tầm nhìn. Phi công có thể trực tiếp theo dõi hình ảnh từ đầu dò tên lửa trên bệ phóng và đánh dấu mục tiêu. Quả đạn sẽ tự động lao tới đích, trong khi trực thăng chuyển hướng để tránh bị đối phương tấn công.
Phương thức thứ hai chưa từng xuất hiện trên các tên lửa đối đất phóng từ trực thăng Nga, cho phép tập kích mục tiêu ngoài tầm nhìn hoặc bị vật cản che chắn.
Tên lửa sẽ bay tới tọa độ nghi có mục tiêu nhờ hệ thống lái tự động và định vị vệ tinh. Phi công sẽ theo dõi hình ảnh từ tên lửa truyền về để tìm kiếm và chọn mục tiêu, sau đó ra lệnh tập kích. Người điều khiển cũng có thể thay đổi mục tiêu hoặc ra lệnh cho tên lửa tự hủy nếu cần thiết.
Nhóm nghiên cứu quân sự nguồn mở Oryx cho biết tên lửa LMUR được sử dụng lần đầu tại Ukraine hồi tháng 6/2022, khi trực thăng Mi-28NM Nga phóng một quả đạn vào tòa nhà nghi có lực lượng Ukraine ẩn náu. Các đòn đánh sau đó cũng thường nhằm các công trình được đánh giá là mục tiêu giá trị cao.

Trực thăng Ka-52 Nga mang tên lửa LMUR trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: Russian Helicopter
Trước khi Ukraine phát động chiến dịch phản công lớn hồi đầu tháng 6, lực lượng Nga đã phóng tên lửa LMUR vào 43 tòa nhà, 6 cây cầu, hai xe tải và 5 xe thiết giáp.
Theo bình luận viên David Hambling của Forbes, sự xuất hiện của LMUR trên chiến trường cho thấy Nga đang tung nhiều loại vũ khí hiện đại và uy lực hơn nhằm cản đà phản công của Ukraine, cũng như bảo đảm an toàn cho những chiếc trực thăng đắt giá trong biên chế.
"Việc trang bị loại vũ khí này cho phi đội Ka-52M cho phép Nga tấn công hàng loạt xe thiết giáp đối phương, đúng theo nhiệm vụ được thiết kế ban đầu. Ukraine cần thêm các hệ thống phòng không tầm xa như Patriot và tiêm kích F-16, nếu không cuộc phản công sẽ diễn ra rất chậm chạp và đẫm máu", Hambling nhận định.
Vũ Anh (Theo Forbes)