Trong giai đoạn cuối Thế chiến II, Nhật Bản đã triển khai nhiều đơn vị cảm tử sử dụng máy bay và ngư lôi có người lái sẵn sàng lao thẳng vào tàu chiến đối phương. Tuy nhiên, họ không phải là bên tham chiến duy nhất sử dụng những vũ khí này. Quân đội Anh thậm chí đã triển khai loạt ngư lôi có người lái trước Nhật đến vài năm.
Khác biệt chủ chốt giữa hai vũ khí là ngư lôi Anh được thiết kế để đưa phi công trở về căn cứ an toàn sau khi thực hiện nhiệm vụ, trong khi ngư lôi Nhật chủ yếu nhằm mục tiêu đánh chìm tàu chiến đối phương.

Thợ lặn Anh và ngư lôi Chariot chưa lắp đầu đạn năm 1944. Ảnh: IWM.
Chưa đầy hai tuần sau trận Trân Châu Cảng, hải quân Anh hứng chịu đòn tập kích bất ngờ ngày 19/12/1941, khiến hai thiết giáp hạm và một tàu chở dầu bị thiệt hại nghiêm trọng trong vụ nổ lớn ở cảng Alexandria, Ai Cập.
Thủy thủ đoàn thiết giáp hạm HMS Valiant bắt được hai thợ lặn Italy ngay trước vụ nổ. Điều trùng hợp là họ bị phát hiện trong căn phòng ngay trên khu vực hư hại của tàu Valiant. Hạm trưởng Anh sau đó thẩm vấn hai thợ lặn và yêu cầu họ giải thích điều gì đã xảy ra.
Những ngày sau đó, cảnh sát Ai Cập bắt thêm 4 thợ lặn khác, giúp Anh tìm ra phương thức quân đội Italy thực hiện cuộc tập kích. Theo đó, hải quân Italy đã hoán cải những quả ngư lôi bằng cách bố trí không gian bên trong, cho thợ lặn ngồi vào rồi phóng ngư lôi từ tàu ngầm, cho phép họ di chuyển với tốc độ và khoảng cách vượt xa cách bơi thông thường.
Dựa trên phát hiện này, quân đội Anh bắt đầu phát triển ngư lôi có người lái Chariot Mk. I từ tháng 4/1942. Ngư lôi Chariot Mk. I dài 6,7 m, đường kính 0,9 m, nặng khoảng 1,75 tấn, mang một đầu đạn Torpex nặng 270 kg với sức công phá tương đương 450 kg thuốc nổ TNT. Ngư lôi có tốc độ tối đa 4,6 km/h và độ sâu khi lặn 27 m.
T hợ lặn sẽ ngồi vào trong ngư lôi và tiếp cận mục tiêu, sau đó tháo đầu đạn để gắn lên thân tàu đối phương rồi lái ngư lôi rời đi. Nếu kế hoạch thành công, ngòi nổ hẹn giờ sẽ kích hoạt đầu nổ, tạo lỗ lớn trên tàu mục tiêu và đánh chìm nó.
Lần thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của Chariot Mk. I diễn ra cuối năm 1942 nhưng thất bại. Các quả ngư lôi trong trạng thái chìm được một tàu cá kéo theo để che giấu tung tích, nhưng thời tiết xấu khiến dây neo của chúng bị đứt và mất tích trên biển trước khi kịp tiếp cận mục tiêu là thiết giáp hạm Tirpitz của Đức.

Hai thợ lặn Anh và ngư lôi Chariot huấn luyện trên biển năm 1944. Ảnh: IWM.
Quân đội Anh sau đó hoán cải tàu ngầm để lắp đặt ngư lôi Chariot bên ngoài thân và bắt đầu triển khai thực chiến để đối phó các tàu Italy gần đảo Sicily và tàu Nhật Bản ở Thái Lan. Vũ khí này phát huy hiệu quả trong chiến đấu đến mức Anh bắt đầu thiết kế mẫu Chariot Mark. II nâng cấp với đầu đạn có kích cỡ gấp đôi, chạy nhanh hơn và bán kính tác chiến lớn hơn.
Sự xuất hiện của ngư lôi dẫn đường dần thay thế ngư lôi có người lái, trừ một số lực lượng đặc nhiệm vẫn sử dụng những phương tiện có thiết kế tương đồng với Chariot. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh cũng đã chuyển sang dùng tàu ngầm mini với thiết kế khép kín, giúp binh sĩ không phải tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt dưới lòng biển.
Duy Sơn (Theo WATM)