Trong những năm đầu thế kỷ 20, tàu ngầm có độ rủi ro khi hoạt động rất cao do thiết kế chưa hoàn thiện, còn nhiều lỗi và thường dẫn đến tai nạn thảm khốc. Điển hình là tàu ngầm HMS Thetis của hải quân Anh, một trong số ít chiến hạm bị chìm tới hai lần cùng toàn bộ thủy thủ đoàn.
HMS Thetis thuộc lớp T, nằm trong dự án tăng cường tiềm lực quân sự của Anh trước thềm Thế chiến II. Tàu do công ty Cammell Laird và Vickers-Armstrong thiết kế, hoàn thiện tháng 6/1938.
Tàu ngầm dài 84 m, rộng 8 m, có lượng giãn nước 1.590 tấn khi lặn. Nhờ trang bị hai động cơ diesel công suất 3.700 kW và hai động cơ điện công suất 2.200 kW, tàu có thể đạt vận tốc 28 km/h khi nổi và 17 km/h khi lặn với tầm hoạt động 8.300 km. Vũ khí chính của HMS Thetis là 6 ống phóng ngư lôi mũi cỡ 533 mm, cùng 4 ống phóng ngư lôi ngoài thân và một pháo cỡ nòng 102 mm.

Lực lượng cứu hộ quanh phần đuôi HMS Thetis sau vụ chìm ngày 1/6/1939. Ảnh: Royal Navy.
Ngày 1/6/1939, tàu gặp sự cố khi ra khơi thử nghiệm lặn cùng thủy thủ đoàn 102 người. Trong lần lặn thử đầu tiên, thủy thủ đoàn nhận thấy tàu quá nhẹ và họ không thể mở một ống phóng để nạp ngư lôi.
Hầu hết ống phóng ngư lôi khi đó hoạt động bằng cơ chế hai cửa. Cửa ngoài mở ra biển khi phóng ngư lôi và cửa trong mở khi thủy thủ đoàn nạp ngư lôi. Một cửa sẽ không thể mở thủ công nếu cửa còn lại chưa đóng.
Kiểm tra nhanh cho thấy một vết sơn khô đã làm kẹt cửa ngoài ống phóng, ngăn thủy thủ đoàn mở cửa trong. Họ cố gắng mở cửa thủ công, nhưng áp lực nước quá lớn khiến nước biển nhanh chóng tràn vào khoang tàu. Do không có cơ chế đóng ống phóng khẩn cấp, toàn bộ mũi tàu bị ngập nước và chìm xuống đáy biển ở độ sâu 48 m, trong khi phần đuôi vẫn nổi trên mặt nước.
Thủy thủ đoàn quyết định sử dụng buồng thoát hiểm, nhưng nó chỉ tiếp nhận được một người trong mỗi lần sử dụng và phải được điều áp trước khi thủy thủ rời tàu. Chỉ có 4 người đầu tiên rời tàu an toàn, trong đó có hạm trưởng Harry Oram.
Người thứ 5 quá hoảng sợ nên đã mở nắp buồng thoát hiểm trước khi nó được điều áp và thiệt mạng lập tức vì áp lực nước khổng lồ. Hành động của người này cũng vô hiệu hóa buồng thoát hiểm và làm nước biển tràn thêm vào tàu, khiến những người còn lại chết đuối hoặc chết ngạt. Tổng cộng 99 người đã thiệt mạng trong sự cố.
HMS Thetis sau đó được trục vớt và sửa chữa, rồi đưa vào biên chế với tên gọi HMS Thunderbolt và được triển khai đến Đại Tây Dương năm 1940.

HMS Thunderbolt về cảng sau một chuyến tuần tra. Ảnh: Wikipedia.
Tháng 12/1940, HMS Thunderbolt đánh chìm tàu ngầm Capitano Raffaele Tarantini của Italy khi đang tuần tra ở Đại Tây Dương. Hai năm sau, tàu được điều đến Địa Trung Hải tấn công cảng quân sự của Italy, cũng như phá hủy các tàu tiếp viện của phe Trục. Trong quá trình này, nó đánh chìm được tuần dương hạm Uipio Traiano và tàu hàng SS Viminale.
Ngày 14/3/1943, HMS Thunderbolt bị tàu hộ vệ hạng nhẹ Cicogna của Italy phát hiện. Hạm trưởng tàu Cicogna từng là sĩ quan tàu ngầm nên nắm rõ chiến thuật của đối phương và địa thế vùng biển xung quanh. Khi tàu ngầm Anh nổi lên mặt nước để lấy không khí, chiến hạm Cicogna phát hiện kính tiềm vọng của nó và phóng bom chìm tiêu diệt đối phương. Toàn bộ thủy thủ đoàn gần 200 người đã thiệt mạng cùng chiếc tàu ngầm HMS Thunderbolt xấu số.
Duy Sơn (Theo WATM)