Nghỉ hè, chị Kim Hoa, ngụ TP HCM, để hai con trai 4 và 6 tuổi thoải mái vui chơi, nghỉ xả hơi trước khi vào năm học mới. Dù chơi mệt, song hai bé không muốn ngủ trưa. Tổng thời gian ngủ không đủ 8 giờ một ngày, ít hơn khoảng hai giờ so với bình thường. Lúc ngủ bé hay nói mơ thành tiếng, khua tay chân, ngồi dậy đi lại, thỉnh thoảng đái dầm. Trước đây, tình huống này không có xảy ra.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đàn, Trưởng phòng khám Nhi khoa, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Cơ sở 3, trường hợp hai con của chị Hoa được xếp vào nhóm mất ngủ giả (Parasomnias). Đây là một trong 5 dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp ở trẻ em. Mất ngủ giả thường gặp ở thời thơ ấu. Trẻ thường mộng du, nói chuyện khi ngủ, rối loạn kích thích và buồn ngủ có xu hướng xảy ra vào nửa đầu của đêm, trong khi ác mộng phổ biến hơn vào nửa sau của đêm. Chỉ 4% tình trạng mất ngủ giả tiếp tục tồn tại ở tuổi vị thành niên.
Để hạn chế tình trạng này, bác sĩ khuyên chị Hoa nên ghi lại nhật ký giấc ngủ của con trong hai tuần. Đồng thời theo dõi xem mấy giờ bé bị như vậy để đợi đến giờ đó đánh thức trẻ dậy trong 15-20 phút, sau đó mới cho bé ngủ lại. Có thể thực hiện đúng như vậy trong khoảng một tuần, trẻ sẽ hết triệu chứng này.
Nếu con khó chịu khi bị đánh thức thì cần bố trí an toàn ở phòng, tránh trẻ bị té ngã hoặc va đập vào vật sắc nhọn gây thương tích. Tuy nhiên, biểu hiện này có thể sẽ bùng phát khi trẻ gặp căng thẳng (áp lực thi cử, bị người lớn la mắng...) hay mệt.
Bác sĩ Đàn cho biết, các nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng có tới 50% trẻ em gặp vấn đề về giấc ngủ. Hậu quả rõ ràng nhất của việc ngủ không đủ giấc là trẻ sẽ buồn ngủ vào ban ngày; cáu kỉnh, hành vi thay đổi; khó khăn trong học tập; dễ va chạm hoặc xảy ra tai nạn trong sinh hoạt, di chuyển; giảm tăng trưởng chiều cao.
Ngoài mất ngủ giả, có 4 dạng rối loạn giấc ngủ khác, thường gặp ở trẻ em gồm:
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive sleep apnea): xảy ra ở 1-5% trẻ em. Nguyên nhân do amiđan phì đại là thường gặp nhất, ngoài ra còn do béo phì.
Mất ngủ hành vi (Behavioral insomnia of childhood): xảy ra khá phổ biến với tỷ lệ hiện mắc ước tính là 10-30%. Đặc trưng của tình trạng này là trẻ không thể đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được nếu không có các điều kiện cụ thể, ví dụ như nằm trên võng đung đưa.
Rối loạn giai đoạn ngủ muộn (Delayed sleep phase disorder): thường gặp nhất ở tuổi vị thành niên với tỷ lệ hiện mắc là 7-16%. Biểu hiện là trẻ khó đi vào giấc ngủ và thức giấc vào những thời điểm muộn hơn, trung bình trễ ít nhất hai giờ so với thời gian thức giấc phổ biến.
Hội chứng chân không yên (Restless legs syndrome): trong giai đoạn đầu của giấc ngủ trẻ cử động giật chân, giật hết chân này đến chân kia, lặp đi lặp lại, không có ý thức, có tính chu kỳ vì cảm giác bị mỏi hay đau chân. Một trong các nguyên nhân có thể là trẻ thiếu sắt.

Tổng thời gian ngủ trung bình của trẻ em theo độ tuổi, theo các tác giả Iglowstein I, Jenni OG, Molinari L, Largo RH.
Ngủ là khoảng thời gian để cơ thể trẻ tiết kiệm năng lượng, phục hồi các quá trình bình thường, thúc đẩy tăng trưởng chiều cao và hỗ trợ phát triển trí não. Giấc ngủ thay đổi đáng kể trong vài năm đầu đời, song hành với sự trưởng thành và phát triển thể chất của trẻ. "Sự khác biệt lớn trong hành vi ngủ ở trẻ em có thể do sự khác biệt về văn hóa hoặc di truyền", bác sĩ Đàn nói.
Trẻ sơ sinh đòi hỏi tổng thời gian ngủ lớn nhất và có kiểu thức ngủ - ngủ rời rạc. Bắt đầu từ 5 tháng tuổi, trẻ sơ sinh sẽ ngủ trong thời gian dài hơn. Ngoài ra, trẻ bú mẹ thường xuyên bị thức giấc hơn, thời gian ngủ ngắn hơn và tổng thời gian ngủ ngắn hơn một chút. Khi trẻ lớn hơn, thời gian ngủ ban đêm kéo dài dần ra và tổng thời gian ngủ cả ngày giảm.
Để trẻ có giấc ngủ ngon, bác sĩ Đàn khuyến cáo phụ huynh nên hướng dẫn con làm "vệ sinh giấc ngủ". Cụ thể, việc đầu tiên là phải bắt đầu xây dựng thói quen cho trẻ đi ngủ đúng giờ (nên ngủ trước 22h). Người lớn không nên để trẻ "mặc cả" dùng thêm đồ uống hoặc đọc truyện sau khi đã đến giờ đi ngủ chính thức.
Ngoài ra, phòng ngủ nên thoáng khí, yên tĩnh, tắt điện, tránh tiếp xúc với các dụng cụ phát ra ánh sáng như điện thoại, máy tính, iPad, tivi trước khi ngủ khoảng 1-2 giờ. Nên kéo rèm đảm bảo phòng đủ tối vì khi có ánh sáng, cơ thể sẽ không tiết ra melatonin - hormone quan trọng cho giấc ngủ.
Trẻ nhỏ nên ngủ trong nôi hoặc giường mà không bị đung đưa khi ngủ. Nếu một đứa trẻ phải được đung đưa để ngủ, thì đứa trẻ sẽ không học được cách đi vào giấc ngủ mà không có sự giúp đỡ. Tự ngủ hoặc tự ngủ trở lại là một kỹ năng mà một đứa trẻ có thể học được. Trẻ thức giấc trong đêm là điều bình thường. Người lớn thậm chí thức giấc vài phút vài lần mỗi đêm.
Cha mẹ nên vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ trước khi ngủ, không nên cho trẻ ăn trước khi ngủ, khi trẻ ngủ rồi không nên cho trẻ uống sữa vì khi bú sữa trẻ phải thức, giấc ngủ sẽ không liên tục.
Thư Anh