Anh cho biết nhiều đêm gần như thức trắng, có đêm ngủ được khoảng 1-2 tiếng, rất khó vào giấc. Buổi sáng dậy, anh rất mệt mỏi, không muốn đi làm. Dù cố "vực người dậy để đi làm" nhưng hiệu quả công việc thấp. Người thân trong gia đình cũng bị ảnh hưởng vì anh cáu gắt, khó chịu hơn. Anh cảm giác tim đập nhanh, dễ hồi hộp nên lo lắng bị bệnh tim.
Công việc của anh năm qua gặp nhiều xáo trộn vì Covid-19. Nửa đầu năm ngoái, nhiều nước "đóng cửa" để phòng dịch, xuất nhập khẩu bị ngưng trệ. Đến cuối năm, "cước tàu bắt đầu tăng chóng mặt", gấp 5-10 lần mà không có tàu chạy, không có container đóng hàng. Áp lực doanh số, thu nhập giảm, trong khi phải trả nợ ngân hàng tiền vay mua nhà mỗi tháng khiến anh căng thẳng.
Bác sĩ Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM, cho biết bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, đo điện tim không ghi nhận bất thường. "Việc hồi hộp chỉ là những ảnh hưởng do tâm thần kinh, không phải do bệnh tim", bác sĩ Khoa nói.
Các bác sĩ xoa bóp bấm huyệt, kết hợp nhĩ châm (châm vào tai), châm những huyệt an thần điều trị rối loạn thần kinh thực vật. Bệnh nhân còn được sử dụng bài thuốc, vị thuốc có tác dụng chống nóng trong cơ thể, chống mất ngủ, chống lo âu như lạc tiên tây, lạc tiên ta, lá sen, tâm sen, vông nem... Đặc biệt, anh dành thời gian đi bách bộ mỗi ngày khoảng 30-45 phút, tức đi với tốc độ vừa phải, không nhanh không chậm, trong đầu xoá đi các tạp niệm, không nghĩ đến công việc.
Sau 10 tuần điều trị, các rối loạn trở về bình thường. Anh ngủ kéo dài 4-6 tiếng, không còn cảm giác hồi hộp, lo lắng, sợ sệt. "Tôi không bị bệnh tim như mình lo ngại", anh chia sẻ.
Theo bác sĩ Khoa, những khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19, áp lực công việc, cuộc sống, khiến số người đến khám rối loạn giấc ngủ thời gian gần đây tăng cao hơn so với trước. Nhiều người bị gián đoạn công việc, khi quay trở lại thì công tác tổ chức, phối hợp thực hiện khác hoàn toàn lúc trước, dẫn đến stress, đặc biệt là nhóm ngành dịch vụ.
Mới đây, một giám đốc ngân hàng, sinh năm 1979, đến khám vì mất ngủ, hay mộng mị, gặp ác mộng. Anh còn hay quên những việc vừa mới xảy ra, biểu hiện hay hồi hộp, đổ mồ hôi tay chân. Bác sĩ tư vấn, phân tích, xác định rõ nguyên nhân bệnh, chẩn đoán suy nhược thần kinh.
Trường hợp này, bác sĩ chú trọng phương pháp dưỡng sinh, tập luyện phù hợp, cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế của vỏ não, giúp trở lại trạng thái quân bình. Bệnh nhân cũng áp dụng vệ sinh tinh thần, loại bỏ những lo lắng, tạp nhiễu, chế độ thực dưỡng với thực phẩm được khuyến cáo ăn nhiều là các loại đậu, hạt sen... Không dùng chất kích thích, không ăn quá no vào buổi chiều tối.
Điều trị chuyên sâu gồm xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, thuốc giúp chống rối loạn giấc ngủ, châm cứu những nhóm huyệt giúp cân bằng cơ thể (huyệt thần đường), giúp tinh thần ý chí vững vàng (huyệt chí thất), giúp tinh thần thanh thoát (huyệt bổ tâm). Bệnh nhân cũng được dùng gối trộn lẫn thảo dược giúp dễ ngủ.
Sau 4-6 tuần điều trị, từ gần như không ngủ, phải sử dụng thuốc ngủ, bệnh nhân bắt đầu ngủ được 1-2 tiếng, không cần dùng thuốc ngủ. Sau 12 tuần, giấc ngủ bệnh nhân trở về bình thường, cải thiện trí nhớ.
Bác sĩ phân tích, quá trình mất cân bằng của cơ thể, của hoạt động hệ thống thần kinh thực vật, dẫn đến rối loạn các cơ quan, tim, tiêu hóa, không phải bệnh gốc từ những cơ quan này. Do đó, khi điều trị thành công rối loạn giấc ngủ, các triệu chứng của các cơ quan khác sẽ cải thiện.
Theo bác sĩ Khoa, suy nhược thần kinh biểu hiện với bốn dấu hiệu nổi bật, gồm đau đầu âm ỉ vùng đỉnh đầu hoặc vùng chỏm sau gáy; hay quên, đặc biệt những việc xảy ra gần đây như quên tên người, quên lịch hẹn, quên chìa khoá; rối loạn giấc ngủ, khó vào giấc, ngủ ít, hay nằm mơ, mộng mị, mệt mỏi khi thức giấc; kém tập trung. Trường hợp nặng có thể gây ảnh hưởng thần kinh thực vật, hay hồi hộp, ăn không ngon, ra mồ hôi tay chân, rối loạn sinh dục như rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, rối loạn cương ở nam giới, giảm ham muốn.
Để ngừa tái phát, cần duy trì dưỡng sinh, vệ sinh tinh thần, tập luyện phù hợp. Nên đi bách bộ hàng ngày, thỉnh thoảng có những đợt đi chơi giữa nơi có không gian hài hoà giữa con người và thiên nhiên, hoặc đi bơi, đạp xe đạp, yoga, thiền... Áp dụng chế độ thực dưỡng với nguyên tắc "thực phẩm cũng là dược phẩm, mà dược phẩm cũng là thực phẩm", chọn lựa thực phẩm phù hợp, tốt cho sức khoẻ, tốt cho bệnh lý vào bữa ăn hàng ngày, chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết.
Phòng tránh rối loạn giấc ngủ bằng cách điều chỉnh lối sống phù hợp, giữ thái độ lạc quan, trân quý hiện tại, tập luyện sinh hoạt chủ động, phù hợp, hạn chế sử dụng chất kích thích, không khuyến khích thói quen uống trà, uống cà phê vào ban đêm. Nên ăn nhiều đậu, mè đen, hạt sen, tâm sen, củ sen, dâu tằm...
Khi có biểu hiện mất ngủ, cần khám, tư vấn bởi bác sĩ có chuyên môn, tránh rối loạn kéo dài gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.