Khu vực tôi đến làm việc và mua đất là một xã thuộc tỉnh Đắk Nông. Cách đây ba năm bà con cầm sổ ngân hàng vay số tiền chỉ có 100 triệu đồng trên mỗi ha.
Họ bán đất thì cũng chẳng có ai mua. Mà có mua thì cũng chỉ người dân cùng làng cùng xóm, trả tiền dần từng đồng từng cắc hoặc là cấn trừ nợ. Họ làm nông nghiệp không đủ sống lấy đâu ra tiền mà trả nợ cho ngân hàng?
Vậy là cho dù vay số tiền rất ít nhưng họ vẫn bị nợ xấu. Còn ngân hàng thì cũng khổ lây vì không thu hồi được nợ. Đất thì ngân hàng cũng không thể phát mãi được vì chẳng có ai mua.
Mọi việc được thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng tích cực khi vào giữa cuối năm 2021 nhà nước bắt đầu đầu tư làm trục đường chạy dọc vào khu vực này. Rồi các nhà đầu tư các tỉnh kéo nhau về mua đất.
>> Giá nhà đất liên tục tăng vì 'hội chứng ăn theo'
Rồi giá đất tăng lên một đến hai lần, đất mặt đường có thể tăng lên cả chục lần. Bà con lúc này thay vì cầm cố sổ đỏ lấy 100 triệu một ha, hoặc chẳng có ai mua giờ đã bán được từ 300 triệu, 500 triệu, một tỷ, ba tỷ đồng một ha.
Họ có tiền trả nợ ngân hàng, còn được số vốn khá khá làm ăn. Đất họ nhiều họ bán bớt đi một phần rồi cuộc sống khá lên. Họ có tiền đầu tư mạnh vào phần đất còn lại tạo ra năng suất tốt hơn. Ngân hàng họ cũng quá vui vì đã thu được hết nợ xấu.
Đường sá phát triển bà con có nhà cao cửa rộng, cuộc sống họ tốt hơn rất nhiều. Nhiều người lo việc nông dân mất đất sản xuất nhưng đất nó còn nguyên đó chứ mất đi đâu mà sợ. Nó được chuyển từ người này sang cho người kia để tốt hơn.
Nông dân họ cũng thừa hiểu biết và khôn ngoan để biết bán đi bao nhiêu và còn giữ lại bao nhiêu chứ. Trước đây một gia đình sở hữu ba ha thì tài sản của họ chỉ 300 triệu đồng, giờ cũng ba ha đó tài sản của họ từ một đến năm tỷ đồng.
Vậy bạn chọn cái nào?
Pham Hoang An
*Quan điểm của bạn thế nào?
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.