Hôm 1/8, Independent đưa tin Marni viết lời xin lỗi trên Instagram: "Chúng tôi vô cùng xin lỗi về hành vi, sai phạm mà chúng tôi đã gây ra. Chiến dịch tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa Afro-Brazil dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia người Brazil - Edgard Azevedo - đã phản tác dụng. Marni thực sự hối tiếc rằng những nỗ lực của chúng tôi đã gây thêm nỗi đau". Hiện các bức ảnh của chiến dịch đã bị gỡ bỏ.

Bức ảnh lan truyền trên Instagram với câu hỏi "Tại sao anh ấy đeo xích ở chân?". Ảnh: Tài khoản diet_prada.
Tuần qua, Marni đăng tải các bức ảnh trong chiến dịch quảng bá Jungle Mood. Trong một bức hình, người mẫu da màu đeo xiềng xích ở chân, tạo dáng trên bãi biển. Hình ảnh đăng trên Instagram nhận nhiều phản ứng dữ dội của khán giả: "Một ví dụ tồi tệ về cách nhìn người da màu của người da trắng. Thật đáng xấu hổ. Có bao nhiêu người da màu làm việc ở Marni vậy?", "Cái quái gì thế, tại sao anh ta cần đeo xích ở chân?", "Một câu chuyện kinh hoàng. Những người tạo ra chiến dịch này thật đáng xấu hổ"....
Trong quá khứ, nhiều nhà mốt từng vướng scandal phân biệt chủng tộc. Năm ngoái, áo len Balaclava của Gucci bị gỡ khỏi toàn bộ cửa hàng vì bị cho giống khuôn mặt người da đen khi phẫn nộ. Năm 2018, Prada cũng vướng sự cố tương tự và buộc phải rút các sản phẩm trưng bày tại Manhattan. Dolce & Gabbana lao đao, bị tẩy chay ở Trung Quốc khi thực hiện quảng cáo với video người mẫu châu Á dùng đũa để ăn món Italy. Nhiều cửa hàng H&M bị đập phá và đóng cửa tạm thời vì sử dụng hình ảnh người mẫu nhí da đen mặc chiếc áo in dòng chữ "Coolest mokey in jungle" (tạm dịch: Chú khỉ ngầu nhất trong rừng xanh).