Phong trào Black Lives Matter (BLM - Mạng sống của người da đen cũng đáng giá) lan ra cả giới thời trang, nhiều thương hiệu chớp cơ hội, đăng bài viết kêu gọi chấm dứt phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, nhiều hãng bị lên án là đạo đức giả với hành động này.
Trên Instagram, Salvatore Ferragamo đăng ảnh màu đen kèm dòng chữ BlackoutTuesday (Thứ ba tắt đèn - sự kiện âm nhạc phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ trong thế kỷ qua). Lập tức, diễn viên Tommy Dorfman cáo buộc hãng đang đối xử bất công với mẫu chuyển giới và da màu. Tương tự, thương hiệu Anthropologie đăng khẩu hiệu ủng hộ người da màu rồi nhanh chóng xóa đi vì bị tố cáo giả dối.
Celine viết trên Instagram: "Celine chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc, kỳ thị và bạo lực. Không có thế giới ngày mai nếu không có bình đẳng cho tất cả. Mạng sống của người da đen cũng đáng giá". Ngay lập tức, stylist Jason Bolden gọi đây là trò giả dối, tố hãng từng từ chối làm việc với người nổi tiếng da đen, trừ khi thông qua stylist da trắng.
Bolden thường xuyên cảm thấy các thương hiệu lớn xa lánh anh. Anh từng chật vật khi tìm nhà thiết kế trang phục cho Taraji P. Henson khi phim Hidden Figures của cô được đề cử ba hạng mục ở Oscar 2017. "Các thương hiệu sẵn sàng thiết kế váy áo cho những cô gái da trắng kém nổi tiếng", anh nói với CNN.
Lindsay Peoples Wagner - tổng biên tập da màu của Teen Vogue - nói trên CNN: "Nhiều người như tôi mệt mỏi vì các thương hiệu lớn nói một đằng, làm một nẻo. Mọi người đã cố gắng bao năm nhưng không thay đổi được gì".
Giám đốc phong cách Danielle Prescod của trang BET đặt câu hỏi về mục đích của các thương hiệu trước đây thường im lặng, không chú tâm tới vấn đề về đa dạng sắc tộc, nay đột nhiên lên tiếng. "Thật xảo trá khi họ nói ủng hộ cộng đồng da màu. Đã bao giờ họ vì người da màu? Họ từng có cơ hội để bảo vệ sự sống, vẻ đẹp của chúng tôi. Mới chỉ một tuần mà tất cả tỏ ra để tâm tới vậy. Mọi thứ giống cơ hội truyền thông hơn là sự quan tâm", Prescod nói.
Không chỉ thương hiệu, các cá nhân cũng bị chỉ trích. Tổng biên tập Vogue Mỹ Anna Wintour thường xuyên thể hiện quan điểm ủng hộ đa dạng sắc tộc trên Vogue nhưng đằng sau, bà bị đồn phân biệt đối xử với nhân viên. Đầu tháng 6, Wintour gửi thư tới ban lãnh đạo, nhận trách nhiệm cho nạn kỳ thị dưới thời của mình: "Tôi biết Vogue chưa làm đủ nhiều để đề cao, tạo nhiều cơ hội cho những biên tập viên, phóng viên, nhiếp ảnh gia, người sáng tạo và những nhà thiết kế da màu. Chúng ta cũng mắc lỗi khi xuất bản ảnh, câu chuyện dễ gây tổn thương".
Bên cạnh sự chỉ trích, một số nhà mốt được ủng hộ vì kết nối sắc tộc tốt. Bolden ca ngợi giám đốc sáng tạo Pierpaolo Piccioli của Valentino khi đưa mẫu da màu gốc Nam Sudan - Adut Akech - thành đại diện thương hiệu. Gucci được đánh giá cao khi mời nghệ sĩ da đen Dapper Dan vào đội ngũ, thành lập quỹ Changemakers Impact, trao học bổng cho trẻ em da màu trong ngành thời trang. Đầu tháng 6, hãng mốt Italy quyên góp cho Tổ chức dân quyền vì sự tiến bộ của người da màu NAACP, tổ chức phi lợi nhuận chống sự tàn bạo của cảnh sát Campaign Zero và hội trại Colin Kaepernick's Know Your Rights.
Để thay đổi các vấn đề phân biệt chủng tộc phải có đổi mới từ tầng lớp trên, nơi tập trung quyền lực. Trong báo cáo về sự hòa nhập, đa dạng, Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ CFDA cho rằng chỉ tập trung vào sự hiện diện của mẫu da màu trên đường băng, bìa tạp chí là không đủ. Erica Lovett - giám đốc Conté Nast - nói: "Làng mốt phải công nhận, ưu tiên tuyển dụng đa sắc tộc: giám đốc tài chính, giám đốc điều hành, trưởng phòng thời trang, biên tập viên tạp chí, lãnh đạo doanh nghiệp. Tới khi các vị trí chủ chốt trở nên bình đẳng, mọi thứ mới trở nên tiến bộ". Theo nghiên cứu năm 2018 của McKinsey & Company, công ty đa dạng sắc tộc, văn hóa có cơ hội đạt doanh thu cao hơn 33% doanh nghiệp khác.
Bảo Thư (theo CNN)