Mới đây, H&M phải xin lỗi công chúng vì sử dụng hình ảnh người mẫu nhí da đen mặc chiếc áo in dòng chữ "Coolest mokey in jungle" (tạm dịch: Chú khỉ ngầu nhất trong rừng xanh). Ngay khi được đưa ra, quảng cáo gặp phải sự phản ứng, chỉ trích dữ dội. Nhiều người cho rằng hãng thời trang Thụy Điển phân biệt chủng tộc, xúc phạm người da màu. Sự việc khiến một số cửa hàng H&M bị đập phá. Hai nghệ sĩ nổi tiếng The Weeknd và G-Eazy dừng hợp tác với thương hiệu. Hiện 17 cửa hàng H&M ở Nam Phi đóng cửa. Tháng 11/2017, Gigi Hadid bị một số người dân Trung Quốc tẩy chay. Trước ngày chân dài lên đường sang Thượng Hải trình diễn cho show Victoria's Secret, một đoạn video của cô bị lục lại. Trong đó, Gigi nheo mắt bắt chước đôi mắt một mí của chiếc bánh quy hình khuôn mặt Đức Phật. Nhiều người cho rằng Gigi có ý phân biệt chủng tộc, nhạo báng đặc trưng mắt một mí của người châu Á. Sự cố khiến người đẹp buộc phải hủy diễn. Năm 2016, GAP gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ sau khi tung quảng cáo bị cho là coi thường người da màu. Bức hình quảng cáo sản phẩm gồm bốn bé gái với slogan "Meet the kids who are proving that girls can do anything" (dịch: Gặp những đứa trẻ chứng minh các bé gái có thể làm được mọi thứ). Trong khi các bé da trắng thể hiện sự năng động, cười đùa vui vẻ, bé gái da màu đứng im và bị một cánh tay tỳ lên đầu. Năm 2013, hãng Dior bị James Scully - người chịu trách nhiệm tuyển chọn người mẫu cho nhiều thương hiệu như Tom Ford, Jason Wu, Derek Lam, Stella McCartney, Lanvin và Carolina Herrera - phê phán. Hãng thời trang Pháp bị cho là phân biệt chủng tộc khi chỉ mời những người mẫu da trắng trình diễn. James Scully cho biết theo quan điểm của anh, càng đa sắc tộc càng tốt. Show Victoria's Secret 2012 bị những người Mỹ bản địa chỉ trích gay gắt với bộ trang phục gồm bộ đồ lót da lộn, đi kèm trang sức màu ngọc lam và mũ lông lấy cảm hứng từ mũ truyền thống của nam giới thuộc bộ tộc da đỏ Sioux. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, để một phụ nữ da trắng đội mũ này là một hành động đặc biệt xúc phạm, phân biệt chủng tộc. Trước sự phẫn nộ của người dân, đại diện Victoria's Secret đã phải xin lỗi và cắt phần trình diễn trang phục này khi phát sóng. Năm 2011, giám đốc sáng tạo John Galliano bị Dior sa thải vì gây gổ và xúc phạm người Do Thái tại quán bar La Perle ở Paris. Sự việc này xảy ra ngay trước thềm Tuần lễ thời trang Paris. Show diễn Dior vẫn tiếp tục diễn ra với bài phát biểu xin lỗi của giám đốc điều hành hãng. Bộ sưu tập này được đánh giá rất cao. Bên ngoài địa điểm tổ chức show, những người ủng hộ Galliano mặc theo phong cách của ông và giơ cao tấm bảng: "The King is gone" (Nhà vua đã ra đi) để bày tỏ sự tiếc nuối. 6 vụ bê bối của làng mốt thế giới 2017 Những chân dài khuynh đảo làng mốt trong năm Sao Mai