New York Times (Nytimes) đưa tin Xiang Kai, một đạo diễn và nhà văn ở Thượng Hải đã đốt cháy các sản phẩm Dolce & Gabbana (D&G) trị giá 20.000 USD, gồm áo khoác, áo vest và túi xách hôm 22/11. Trước đó, một fan khác của thương hiệu nói rằng anh ta ném giày và đồng hồ nhãn hiệu này vào thùng rác.
"Mục đích đốt quần áo của tôi là đánh thức người dân và đất nước Trung Quốc. Một số người nói rằng tôi lãng phí. Tôi sẵn sàng lãng phí số tiền này cho phẩm giá của quốc gia", ông Xiang nói trên trang cá nhân.
Người dân Trung Quốc đồng loạt phá hủy đồ của Dolce & Gabbana. |
Xiang là một trong những người chống lại thương hiệu thời trang Italy vì cho rằng hãng đã có những hành động sỉ nhục người Trung Quốc. Cách đây vài ngày, để quảng bá show ở Thượng Hải, hãng tung đoạn video có hình ảnh một người mẫu châu Á sử dụng đũa để ăn món Italy. Dù đoạn phim không có từ ngữ xúc phạm văn hóa Trung Quốc, nhiều người dân nước này cho rằng qua biểu cảm của người mẫu, video chế giễu, châm biếm và coi thường văn hóa của họ. Sự phẫn nộ của người dân được đẩy lên cao khi nhà thiết kế Stefano Gabbana trả lời một khán giả về video trên Instagram: "Không có các người chúng tôi vẫn sống tốt". Kèm với lời nói là biểu tượng phân.
Theo Sina, hiện tám công ty thương mại điện tử lớn tại Trung Quốc bao gồm Tmall, JD, Suning, NetEase, Koala, VipShop, YHD, Secoo đã xóa bỏ tất cả sản phẩm của Dolce & Gabbana. Trên các diễn đàn, nhiều người tiêu dùng cho biết sẽ không mua hàng của hãng này. Một nguồn tin trên trang SCMP cho biết một số người Trung Quốc đứng biểu tình trước văn phòng của hãng tại Milan với biểu ngữ "Not Me". Ăn theo scandal này, một số chủ cửa hàng online còn tung ra những dòng sản phẩm như áo phông, ốp điện thoại in chữ "Not Me".
Thông điệp tẩy chay D&G được lan truyền khắp nơi. |
Net-a-Porter, trang bán hàng điện tử có trụ sở tại London (Anh) và thuộc sở hữu của Richemont đã xóa tất cả sản phẩm của D&G khỏi trang web bản Trung Quốc của họ. Lucky Blue Smith - người mẫu có ảnh hưởng lớn với 3,2 triệu người theo dõi trên Instagram, nói về quyết định bỏ diễn một show của hãng này: "Chúng ta đều là con của chúa trời. Mọi người, mọi nền văn hóa phải được đối xử bằng sự tôn trọng. Tôi sẽ sớm trở lại Trung Quốc. Yêu các bạn rất nhiều". Lo sợ về thiệt hại do liên kết với D&G, thương hiệu đồng hương Italy Max Mara cũng chủ động phát biểu trên tài khoản WeChat hôm 22/11 rằng "Trung Quốc, bạn là tuyệt nhất! Tôi yêu bạn".
Nytimes nhận định chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự kiêu ngạo khiến Dolce & Gabbana đang rơi vào tình trạng suy yếu. Tờ báo cho rằng thất bại của hãng hình thành từ sự nguy hiểm của sức mạnh truyền thông, sự trừng phạt như vũ bão của đám đông và mối nguy hiểm của tính kiêu ngạo trong văn hóa ứng xử.
Nhiều thương hiệu thời trang khác nhau trước đây cũng từng bị buộc tội về những sai lầm về văn hóa. Zara từng bị chỉ trích vì sử dụng biểu tượng của phát xít Đức trên các sản phẩm của họ. Dior bị lên án khi dùng Jennifer Lawrence trong quảng lấy cảm hứng từ phụ nữ Mexico. Tuy nhiên, theo Nytimes, sự cố của D&G là lần đầu tiên một loại sai lầm về văn hóa có hậu quả lan rộng toàn cầu nặng nề như vậy.
Angelica Cheung, biên tập viên Vogue China, chia sẻ: "Trường hợp này là lời cảnh báo. Một dân số hơn 1,4 tỷ người chắc chắn có sức mạnh tiêu thụ khổng lồ. Nếu bạn làm không đúng, hàng trăm sự phẫn nộ trên phương tiện truyền thông của hàng triệu người cũng là sức mạnh rất lớn, khó có thể bỏ qua".
Ứng phó với những làn sóng chỉ trích dâng cao, D&G có hai động thái. Stefano Gabbana khẳng định tài khoản của ông bị hack, hãng đã xóa video có nội dung bị cho là phân biệt chủng tộc. Công ty đã liên hệ luật sư, nhờ pháp luật làm sáng tỏ sự việc. Thêm vào đó, bộ đôi nhà thiết kế đăng video nói lời xin lỗi người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, Nytimes không đánh giá cao hành động này của D&G, cho rằng hãng dường như đánh giá thấp tầm quan trọng của bản sắc dân tộc Trung Quốc, thay vào đó đánh giá quá cao vị trí của họ trong nền công nghiệp thời trang.
"Giờ người tiêu dùng có quyền ích kỷ hơn khi Trung Quốc có một lịch sử và văn hóa phong phú và hiện là một thế giới quyền lực. Chúng tôi là khách hàng quan trọng nhất của bạn và bạn cần tôn trọng", Ben Cavender, một nhà phân tích cao cấp tại công ty China Market Research tại Thượng Hải, cho biết. Theo tập đoàn tư vấn Boston, người tiêu dùng Trung Quốc đang tạo ra 32% doanh số bán hàng cao cấp trên toàn thế giới, con số dự kiến tăng lên 40% vào năm 2024 và tại thời điểm đó, Trung Quốc cũng sẽ đạt 75% sự tăng trưởng của thị trường toàn cầu. Scandal lần này có thể dẫn đến cú sốc tài chính, làm sụt giảm doanh thu nghiêm trọng của hãng trong cuối năm - thời điểm người dân có nhu cầu mua sắm cao.
Theo Nytimes, lời xin lỗi của Gabbana gần như không có hiệu lực bởi nhà thiết kế từng dính nhiều scandal như chê Selena Gomez xấu, không thích bị gọi là "gay" dù là người đồng tính, đả kích những cặp đồng tính nhận con nuôi, nhờ mang thai hộ... Trong con mắt của nhiều người ở cộng đồng quốc tế, Gabbana bị gọi là "người chăn cừu" giống nhân vật của truyện ngụ ngôn nổi tiếng của Aesop - "The Boy Who Cried Wolf" (Cậu bé chăn cừu). Cậu bé chăn cừu đã đánh mất lòng tin của dân làng vì liên tục báo động giả việc có sói tấn công đàn cừu. Trong bài phân tích trên Nytimes, hai tác giả Vanessa Friedman và Sui-Lee Wee nhận định một khi hai nhà thiết kế đã thể hiện sự kỳ thị với nhiều người, bằng tất cả sự cay độc, họ rất khó để mong được tha thứ và tin tưởng trở lại.
Dolce & Gabbana được thành lập vào năm 1985 bởi hai nhà thiết kế Italy Domenico Dolce và Stefano Gabbana. Trong suốt nhiều năm qua, D&G luôn nằm trong top 10 thương hiệu đắt giá nhất thế giới. Hãng có ba dòng sản phẩm chính là Dolce & Gabbana, D&G và D&G Junior. Dolce & Gabbana là dòng sản phẩm cao cấp, tập trung vào các thiết kế đắt tiền và sang trọng, cọi trọng giá trị lâu dài hơn là thay đổi theo mùa. Nhà mốt cao cấp được nhiều ngôi sao Hollywood tin tưởng, trong đó có Madonna, Gisele Bundchen, Monica Bellucci, Isabella Rossellini... |