Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng người đồng cấp Nga Vladimir Putin chiều 30/12 (rạng sáng 31/12 giờ Hà Nội) bắt đầu cuộc điện đàm lần thứ hai chỉ trong tháng này, khi quan hệ song phương được một quan chức cấp cao chính quyền Biden mô tả là đang trong "thời điểm khủng hoảng" liên quan tới vấn đề Ukraine.
Cuộc điện đàm diễn ra theo đề xuất của Putin, người muốn trao đổi trực tiếp với Biden trước khi các nhà đàm phán của hai nước gặp nhau vào ngày 10/1/2022 để tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, trong 50 phút đàm thoại, hai lãnh đạo liên tiếp tung ra những cảnh báo về hậu quả từ hành động của nhau.
Biden tuyên bố Nga có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu từ chối giải pháp ngoại giao và mở chiến dịch quân sự tấn công Ukraine, theo một quan chức cấp cao Mỹ. Putin phản bác rằng hành động như vậy của Mỹ sẽ dẫn tới những rạn nứt nghiêm trọng và" đổ vỡ hoàn toàn" trong mối quan hệ hai nước, theo Yuri Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga.
Kể từ mùa thu, Nga đã tăng cường lực lượng quân sự gần biên giới Ukraine, động thái mà quan chức Mỹ và châu Âu nói có thể là "khúc dạo đầu" cho một chiến dịch quân sự lớn. Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng động thái của Nga đã gây sức ép rất lớn, buộc phương Tây phải lưu tâm tới quan ngại của Moskva đối với mối quan hệ của NATO với Ukraine, Gruzia và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Bộ Ngoại giao Nga tháng này công bố hai dự thảo thỏa thuận định hình lại an ninh châu Âu trên trang web của cơ quan này, trong đó có một với Mỹ và một với NATO. "Các bạn nên đưa cho chúng tôi sự đảm bảo. Ngay bây giờ!", Putin nói trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 23/12.
"Putin và Điện Kremlin dường như đang nói rằng 'hượm đã, chúng tôi là siêu cường hạt nhân, hãy chú ý tới chúng tôi'", Angela Stent, cựu nhân viên tình báo Mỹ và hiện là thành viên Viện Brookings, nói. "Các nhân tố chủ chốt của phương Tây đã bị phân tâm và Putin đã chủ động tạo ra một cuộc khủng hoảng để tìm kiếm nhượng bộ từ phương Tây".
Giới chức Mỹ và Nga đều mô tả giọng điệu của cuộc điện đàm ngày 30/12 là "nghiêm túc và thực chất".
Trong cuộc điện đàm, Biden đã vạch ra hai lựa chọn với Nga: một là giảm leo thang căng thẳng và tiến hành biện pháp ngoại giao, hai là xúc tiến hành động quân sự với Ukraine và đối mặt phản ứng cứng rắn từ phương Tây. Biden và các quan chức Mỹ hàng đầu cho biết phản ứng cứng rắn này bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế, tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và tăng hiện diện quân sự Mỹ dọc sườn phía đông của NATO gần Nga.
Biden cũng bác bỏ yêu cầu của Nga rằng Mỹ phải gây sức ép để NATO ngừng mở rộng về phía đông và loại khả năng Ukraine trở thành thành viên liên minh.
"Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng. Đây là những quyết định được đưa ra bởi các quốc gia có chủ quyền và tham vấn với liên minh chứ không phải do nước khác quyết định", một quan chức Mỹ nói.
Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine thời chính quyền Bill Clinton, cho rằng chính quyền Biden có thể chấp nhận một số điều trong đề xuất an ninh 8 điểm của Nga nếu Moskva nghiêm túc đàm phán.
Trong khi đó, các thành viên chủ chốt của NATO nói rõ rằng họ không muốn mở rộng liên minh trong tương lai gần. Mỹ và các đồng minh cũng có thể chấp nhận lời kêu gọi thiết lập các cơ chế tư vấn mới của Nga, như Hội đồng NATO - Nga và đường dây nóng giữa Nga và liên minh này.
"Các yêu cầu ngăn hoạt động quân sự của NATO ở Ukraine, Đông Âu, Kavkaz hoặc Trung Á đã đi quá xa, nhưng một số biện pháp để hạn chế các cuộc tập trận và hoạt động quân sự trên cơ sở đôi bên cùng có lợi là điều có thể chấp nhận", Pifer, hiện là thành viên cấp cao của Viện Brookings, nói.
Trong cuộc điện đàm ngày 30/12, ông Putin lập luận rằng Washington cũng sẽ có hành động tương tự nếu Moskva triển khai vũ khí gần biên giới Mỹ, theo Ushakov.
Ông Ushakov thêm rằng Tổng thống Biden nói Mỹ không có ý định triển khai tên lửa có thể tấn công Nga ở Ukraine. Các khí tài mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đến nay chỉ có vũ khí chống tăng, radar phản pháo, tàu tuần tra và hệ thống thông tin liên lạc chiến trường.
Theo giới phân tích, Biden dường như đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Putin. Trước cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với Putin hồi tháng 6 ở Geneve, Thụy Sĩ, quan chức chính quyền Biden nói rõ rằng họ đang tìm kiếm một mối quan hệ ổn định và dễ đoán với Moskva.
Dù hai lãnh đạo không giải quyết được các vấn đề lớn tại hội nghị thượng đỉnh đó, họ vẫn bày tỏ mối quan tâm về duy trì quan hệ hợp tác song phương. Họ cũng nhắc lại công thức hợp tác được đưa ra dưới thời tổng thống Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, trong đó nêu rõ "không có người thắng kẻ thua trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không nên sử dụng nó". Ông Ushakov cho biết chủ đề này cũng được Biden - Putin đề cập trong cuộc điện đàm hôm qua.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin không hài lòng với hiện trạng ở châu Âu mà ông xem là tiềm ẩn mối đe dọa lâu dài đối với an ninh Nga. Moskva ngày càng lo ngại rằng Ukraine sẽ nghiêng nhiều hơn về phương Tây và có thể trở thành thành viên NATO trong tương lai gần.
Quân đội Ukraine gần đây cũng tăng cường trang bị các hệ thống vũ khí phương Tây từ các nước thành viên NATO, dù năng lực quân sự vẫn kém hơn nhiều so với Nga.
Dara Massicot, một chuyên gia về quân sự Nga của tổ chức Rand Corp, nói rằng động thái triển khai quân đội sát biên giới Ukraine của Nga đã giúp Điện Kremlin có thêm một loạt lựa chọn ngoại giao và quân sự, khi tìm cách khiến Washington và NATO nhượng bộ.
"Họ đang tạo ra cảm giác tình hình rất cấp bách, dù nhiều yêu cầu của họ đã có từ lâu. Họ đang sử dụng lực lượng quân sự để nhấn mạnh quan điểm, cũng như cố gắng tăng tốc cho các cuộc đàm phán và buộc đối phương nhượng bộ", bà nói.
Chia sẻ sau cuộc điện đàm giữa Biden và Putin, ông Ushakov cho biết hiện chưa rõ những cam kết nào có thể đạt được trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga vào tháng 1 tới, dù Moskva sẽ xem xét một số vấn đề lo ngại của Washington và đồng minh.
Khi được hỏi liệu Nga có sẵn sàng chấp nhận một thỏa hiệp hay không, Ushakov trả lời: "Thỏa hiệp là gì? Dĩ nhiên, đàm phán nghĩa là chúng tôi sẽ xem xét các quan ngại của Mỹ", nhưng thêm rằng Nga không tìm kiếm thỏa hiệp, mà muốn những đảm bảo về an ninh. "Chúng tôi sẽ thúc đẩy điều đó", ông nói.
Trong một bài viết hôm qua trên Foreign Policy, đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng tình hình hiện nay "cực kỳ nguy hiểm". "Đừng ai nghi ngờ vào quyết tâm của Nga trong bảo vệ an ninh của mình", ông viết. "Cái gì cũng có giới hạn của nó".
Thanh Tâm (Theo WSJ, AP)