"Này thư ký tòa, chuẩn bị ăn đạn vào đầu đi. Họ đã ra lệnh, nhưng ngươi cứ làm chuyện vớ vẩn", tin nhắn hôm 17/6 là một trong nhiều lời dọa giết được gửi đến các thư ký tòa án ở Haiti, đang hỗ trợ điều tra vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise vào đầu tháng này.
Theo một số tài liệu của Bộ Tư pháp Haiti vừa được hé lộ, cuộc điều tra đang gặp nhiều tác động từ bên ngoài, ảnh hưởng đến khả năng vạch mặt kẻ chủ mưu thật sự đứng sau vụ án.
Bị dọa giết không phải là chướng ngại duy nhất mà các điều tra viên phải đối mặt, khiến nỗ lực tìm công lý của họ trở nên khó khăn hơn. Nhiều nguồn tin cho hay các nhà điều tra còn bị cản trở tiếp cận hiện trường, nhân chứng lẫn vật chứng.
Những tác động này khiến cuộc điều tra không ít lần đi lệch khỏi quy trình nghiệp vụ ở Haiti. Câu hỏi đặt ra là thế lực bí ẩn nào có khả năng giăng ra những rào cản lớn như vậy với các điều tra viên.
Một số quan chức Haiti bắt đầu nhận được những lời dọa giết nặc danh khi cuộc điều tra được khởi động khoảng hai tuần trước. Thẩm phán Carl Henry Destin, người đến lập biên bản ghi nhận hiện trường vụ ám sát Tổng thống Moise vài giờ sau khi lãnh đạo này bị bắn chết rạng sáng 7/7, đã phải tìm nơi lánh nạn chỉ hai ngày sau đó. Ông nhận được vô số cuộc gọi đe dọa từ người lạ trong thời gian qua.
"Tôi không dám ở nhà nữa. Tôi phải đi thật xa mới dám liên lạc", Destin tiết lộ với báo chí.
Destin không phải là mục tiêu duy nhất. Tin nhắn đe dọa còn được gửi đến các thư ký tòa án làm việc cùng ông và một số ủy viên tư pháp. Ngày 12/7, gần một tuần sau vụ ám sát đẩy Haiti vào hỗn loạn, Hiệp hội Thư ký Tòa án Haiti công bố thư ngỏ, kêu gọi cả nước và cộng đồng quốc tế đặc biệt lưu tâm đến những lời dọa giết nhắm vào thư ký tòa án địa phương Marcelin Valentin và Waky Philostene.
Hiệp hội đề nghị Bộ trưởng Tư pháp Rockefeller Vincent đảm bảo an toàn cho hai công chức này. Tuy nhiên, trong hơn một tuần sau, giới chức không có động thái nào đáng kể để bảo vệ họ. Hai thư ký tòa đã gửi đơn tố cáo vào các ngày 17 và 20/7, cho biết họ nhận được lời dọa giết được gửi đi từ một số điện thoại.
Yếu tố thời điểm cho thấy thế lực can thiệp cuộc điều tra dường như có "tay trong". Valentin nhận một cuộc gọi đe dọa vào ngày 9/7, trong lúc đang ghi nhận kết quả khám nghiệm pháp y thi thể hai nghi phạm bị cảnh sát tiêu diệt. Theo đơn tố cáo, người gọi yêu cầu Valentin cung cấp thông tin điều tra, đưa tên tuổi một số cá nhân vào báo cáo và thay đổi lời khai nhân chứng. Kẻ này dọa sẽ lấy mạng Valentin nếu không chịu hợp tác.
"Tao thấy mày vẫn tìm kiếm thông tin vụ án Tổng thống. Bọn họ đã bảo mày bỏ hai cái tên, nhưng mày không chịu làm đúng lời. Tao cũng đã yêu cầu và mày từ chối, nhưng thật ra tao biết hết đường đi nước bước của mày", Valentin nhận thêm một tin nhắn đe dọa vào tuần tiếp theo.
Bedford Claude, công tố viên phụ trách vụ án, xác nhận mọi thành viên nhóm điều tra đều bị dọa giết và bản thân ông cũng là nạn nhân. Claude đang tìm cách tăng cường an ninh cho điều tra viên.
Bộ Tư pháp và Cảnh sát Quốc gia Haiti vẫn chưa bình luận về âm mưu can thiệp điều tra vừa được truyền thông tiết lộ. Nỗ lực cản trở không dừng ở những lời dọa giết. Một số rào cản tinh vi ngáng đường cuộc điều tra như ngăn chặn điều tra viên tiếp cận hiện trường, hủy hoại bằng chứng hay nhân chứng bặt vô âm tín cũng được ghi nhận.
Theo quy trình tư pháp thông thường ở Haiti, cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ hiện trường vụ án và đảm bảo trật tự xung quanh. Thẩm phán địa phương sẽ tiến hành điều tra bước đầu, lập biên bản hiện trường, lấy lời khai nhân chứng và lập hồ sơ vật chứng. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, quy trình này không được tuân thủ chặt chẽ trong cuộc điều tra vụ ám sát Tổng thống Moise.
Cảnh sát thu đoạn video từ camera an ninh ở tư dinh Tổng thống, nhưng liên tục ngăn cản các điều tra viên xem xét những hình ảnh này. Destin và cộng sự không được cảnh sát cho phép tiếp cận hiện trường vụ án trong nhiều giờ, làm dấy lên lo ngại về khả năng phi tang vật chứng.
Moise bị ám sát vào khoảng 1h sáng 7/7, nhưng đến 10h, cảnh sát mới thông báo đã đảm bảo hiện trường cho nhóm của Destin làm việc. Lực lượng an ninh viện cớ rằng nghi phạm ẩn nấp gần hiện trường và có thể đe dọa tính mạng điều tra viên. Lý do này thiếu tính thuyết phục vì thực tế Destin cùng cộng sự phải đứng chờ trước cổng tư dinh Tổng thống với mức hiểm nguy còn cao hơn.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng gửi người sang hỗ trợ chính phủ Haiti làm sáng tỏ vụ ám sát. Khi đặc vụ Mỹ đến hiện trường, họ phát hiện vẫn còn rất nhiều vật chứng chưa được cảnh sát Haiti thu thập mà không rõ lý do. Giới chức Haiti đã cho phép FBI tập hợp số vật chứng này.
Một phần khác của bức màn bí ẩn đang phủ lên vụ án là vấn đề nhân chứng. Theo một số nguồn tin, đội cận vệ canh gác dinh thự của Tổng thống Moise được phép rời hiện trường trước khi thẩm phán đến lấy lời khai. Đây cũng chính là nhóm cận vệ đã để cho các tay súng thản nhiên bước vào dinh thự và sát hại Moise.
Số ít nhân chứng mà Destin lấy lời khai ban đầu lại không trực tiếp chạm mặt nhóm sát thủ, bao gồm cả trưởng nhóm cận vệ Jean Laguel Civil. Vào thời điểm nhóm ám sát đến tư dinh Tổng thống, Civil đang ở nhà riêng.
Cảnh sát Haiti đã tiến hành cuộc điều tra nội bộ với ít nhất 24 thành viên đội cận vệ liên quan đến vụ án, nhưng đến nay cơ quan công tố chưa nhận được bất kỳ lời khai nào từ nhóm.
Sau vụ ám sát, cảnh sát Haiti tiêu diệt một số nghi phạm, trong đó có hai công dân Colombia được xác định là Mauricio Javier Romero và Giraldo Duberney Capador. Cảnh sát Haiti cho rằng Capador là cựu sĩ quan quân đội Colombia có nhiệm vụ tuyển mộ nhóm sát thủ.
Tuy nhiên, thi thể của hai người này đã được chuyển khỏi hiện trường vụ đấu súng và mang đến đồn cảnh sát trước khi điều tra viên được triệu tập tới lập biên bản.
Nhiều tình tiết quan trọng của vụ án cũng khó có cơ hội được làm sáng tỏ, khi những chiếc xe chở nhóm sát thủ đã bị phóng hỏa và cháy rụi. Cảnh sát Haiti cho rằng đây là hậu quả do "sự phẫn nộ của người dân" sau vụ ám sát Tổng thống.
"Có quá nhiều vấn đề phi lý trong cách thức xử lý hiện trường. Điều tra viên cần thẩm vấn bất kỳ ai có hành vi thay đổi hiện trường, xác minh liệu người đó có lý do chính đáng hay không", Brian Concannon, chuyên gia luật pháp Haiti, nhận định.
Trung Nhân (Theo CNN)