Malaysia đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia nhằm mở lối thoát bền vững cho đất nước trước cuộc khủng hoảng Covid-19. Dù các biện pháp giới hạn, phong tỏa đã giúp đưa số ca nhiễm mới mỗi ngày từ mức đỉnh hơn 9.000 xuống dưới 5.000, chúng không phải giải pháp lâu dài khi đất nước phải hy sinh nền kinh tế.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hiểu rõ Covid-19 đang đe dọa sinh mạng hàng triệu người dân cũng như sự nghiệp chính trị của ông. Vì thế, ông vạch ra một kế hoạch thoát khỏi Covid-19 gồm 4 giai đoạn, trong đó mục tiêu đến tháng 10 phải tiêm chủng cho 60% dân số là chìa khóa quan trọng.
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, 5 trung tâm tiêm chủng siêu lớn đã được thành lập xung quanh thủ đô Kuala Lumpur. Giới chức đang lên phương án lập thêm các trung tâm tương tự ở Penang và Joho, theo Bộ trưởng Khoa học Khairy Jamaluddin.
Thủ tướng Muhyiddin tuần trước cam kết sẽ mở thêm 300 trung tâm tiêm chủng nữa và Malaysia theo kế hoạch sẽ nhận thêm 16 triệu liều vaccine trong vòng hai tháng tới. Ngoài ra, các đơn vị tiêm chủng lưu động cũng sẽ được triển khai tại 9 bang.
Malaysia đã thông qua ba loại vaccine cho chương trình tiêm chủng quốc gia gồm Pfizer-BioNTech, AstraZeneca và CoronaVac. Hôm 15/6, họ tiếp tục phê duyệt có điều kiện cho hai loại vaccine của hãng CanSino Biologics, Trung Quốc, và Johnson & Johnson, Mỹ.
Tuy nhiên, một rào cản lớn cho chiến dịch là thái độ và tâm lý lưỡng lự của công chúng đối với tiêm chủng.
Trong cuộc khảo sát do Bộ Y tế Malaysia thực hiện hồi cuối tháng 12, khoảng 2/3 trong 212.000 người được khảo sát nói sẽ chấp nhận tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên 17% người tham gia cho biết họ không yên tâm về vaccine. 78% trong nhóm này không tin tưởng vaccine sẽ có tác dụng và 71% nghĩ chúng không đủ an toàn.
Khoảng 1/6 số người tham gia khảo sát nói họ sẽ không tiêm vaccine. 96% trong nhóm này cho hay nguyên nhân chính là do lo ngại tác dụng phụ. 85% hoài nghi về thành phần vaccine.
Tâm lý do dự tiêm vaccine đặc biệt cao ở những cộng đồng thu nhập thấp. Theo một cuộc khảo sát của Liên Hợp Quốc, hơn 1/3 số người sống trong các khu nhà ở công cộng tại thủ đô Kuala Lumpur cho biết họ không muốn tiêm chủng dù được miễn phí.
Một sắc lệnh quy định phạt tiền hoặc phạt tù đối với những ai lan truyền thông tin sai sự thật về vaccine đã được thông qua hồi tháng 5 trong nỗ lực chống lại những thuyết âm mưu tiêm chủng đang lan truyền tại Malaysia, như vaccine Covid-19 bị cấy vi mạch theo dõi bí mật, có thể thay đổi ADN người tiêm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Nhiều "chuyên gia" tự phong còn tuyên bố có thể chống lại Covid-19 bằng cách tăng khả năng miễn dịch tự thân thông qua "các loại thảo dược và phương pháp tự nhiên khác". Họ cũng gây ra sợ hãi bằng việc trích dẫn báo cáo từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về hai trường hợp tử vong trong thử nghiệm lâm sàng của Pfizer, bỏ qua thực tế rằng hai nạn nhân chết vì những lý do không liên quan đến vaccine.
Trong số các vaccine được Malaysia sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia, CoronaVac của hãng Sinovac, Trung Quốc, đang gây tranh cãi nhiều nhất.
Một số người dân Malaysia coi đây là sản phẩm kém chất lượng so với những vaccine mRNA khác như Pfizer do mức độ hiệu quả kém và kết quả thử nghiệm có sự khác biệt lớn.
Dù vậy, CoronaVac vẫn may mắn hơn so với AstraZeneca. Vaccine này đã bị loại khỏi chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia hồi tháng 5 sau một số biến chứng đông máu hiếm gặp sau tiêm khiến công chúng hoảng sợ. Hơn 8.000 đơn đăng ký tiêm chủng trực tuyến đã bị hủy sau khi người dân biết vaccine AstraZeneca được dùng trong chương trình tiêm chủng toàn quốc.
Đáng lo ngại hơn, theo Bộ trưởng Khoa học Khairy, tỷ lệ người đã đăng ký tiêm vaccine có mặt theo lịch hẹn tại trung tâm tiêm chủng chỉ đạt trung bình 80%, đồng nghĩa ngay cả khi người dân vượt qua được tâm lý hoang mang, chần chừ để đăng ký thì cuối cùng họ vẫn chọn cách không đến.
Nhà chức trách đang tính đến việc áp dụng biện pháp phạt tiền những người bỏ hẹn tiêm chủng, sau khi hơn 52.000 người đã không xuất hiện tại các điểm tiêm trên 7 bang hồi tháng trước. Chính quyền cũng cân nhắc ra quy định bắt buộc tiêm vaccine.
Không có giải pháp dễ dàng cho tình trạng bỏ lịch tiêm và tâm lý lưỡng lự tiêm chủng của người dân Malaysia nói riêng và trên toàn cầu nói chung.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi tháng hai đã nói "chúng ta không chỉ phải chiến đấu với dịch bệnh mà còn phải tham gia một cuộc chiến thông tin", khẳng định xóa tâm lý bài vaccine là thách thức quan trọng trên con đường đánh bại Covid-19.
Theo tiến sĩ Vinod RMT Balasubramaniam, nhà virus học phân tử kiêm giảng viên cấp cao tại Đại học Monash Malaysia, việc tăng cường cung cấp thông tin chính thống từ nhà chức trách, chuyên gia y tế nhằm trấn an người dân về tính an toàn của vaccine cũng như mức độ nguy hiểm của đại dịch có thể là giải pháp.
Ông cho rằng người Malaysia cần nhận ra họ đang đối đầu với một trong những đại dịch tồi tệ nhất lịch sử nhân loại, trong đó "phương thuốc" duy nhất là vaccine.
"Đồng hồ đang điểm từng giây. Hãy nhớ rằng tất cả những vaccine được phê duyệt hiện nay đều có thể ngăn ngừa bệnh trở nặng, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong vì Covid-19", tiến sĩ Balasubramaniam nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo CNA)