Trả lời:
Việc nhiễm một chủng HPV trước đó không làm giảm nguy cơ nhiễm chủng khác hoặc tái nhiễm. Do vậy, những người mắc bệnh do HPV như trường hợp của bạn, vẫn cần tiêm vaccine để phòng ngừa những chủng virus khác gây bệnh và tránh tái nhiễm.
HPV có hơn 200 chủng khác nhau trong đó có khoảng 40 chủng gây mụn cóc sinh dục và các loại ung thư, chia làm 2 phân nhóm: nguy cơ thấp và nguy cơ cao.
Nhóm virus nguy cơ thấp bao gồm các type: 6, 11, 40, 42, 43, 44, 54, 55, 61, 70, 72, 81. Đây là những type virus ít có nguy cơ gây bệnh nặng, nổi bật trong đó là type 6 và 11 là nguyên nhân chính dẫn đến mụn cóc sinh dục, sùi mào gà, u nhú đường hô hấp...
Nhóm virus HPV nguy cơ cao gồm: type 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66 và 68. Nổi bật là HPV type 16, 18 với khả năng gây các bệnh ung thư ở cả nam và nữ tại các vị trí cổ tử cung, âm đạo, ung thư âm hộ, ung thư dương vật, hậu môn, vòm họng... và u nhú sinh dục.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine lên đến 94% đối với những chủng virus nguy cơ cao có trong vaccine. Mũi tiêm dành cho người từ 9 tuổi, không tiêm cho phụ nữ mang thai.
Bên cạnh đó, mọi người vẫn cần phòng bệnh, sinh hoạt tình dục lành mạnh, khám sức khỏe và tầm soát ung thư cổ tử cung để phát hiện dấu hiệu bệnh sớm. Nam giới chưa có phương pháp tầm soát HPV. Còn nữ giới thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung từ 21 tuổi trở lên.
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.