Trả lời:
Trẻ mắc sởi nổi ban có thể tắm. Lý do, trẻ mắc sởi nổi ban là giai đoạn bệnh đang toàn phát, ban nổi ở khắp các vị trí trên cơ thể. Các nốt phát ban do sởi có thể là nơi để bụi bẩn, vi khuẩn, virus bám vào, nếu trẻ gãi dễ gây nhiễm trùng da.
Tắm rửa sạch cho trẻ sẽ giúp loại bỏ tế bào chết, mồ hôi, bụi bẩn, giúp con dễ chịu, còn giảm nguy cơ gặp biến chứng do bội nhiễm vi khuẩn. Bên cạnh đó, đông y, tây y cũng đã chứng minh, người bị sởi không cần kiêng tắm.
Bạn cần lưu ý nên tắm cho bé vào ban ngày, với nước ấm vừa phải, có thể sử dụng dầu gội và xà phòng bình thường để hỗ trợ loại bỏ mồ hôi, tế bào chết, vi trùng, vi khuẩn bám trên bề mặt da. Khu vực tắm rửa cần kín, tránh gió lùa Quá trình tắm không kỳ cọ quá kỹ, không cho con ngâm nước quá lâu và nên chú ý làm sạch vùng da có nếp gấp như cổ, nách, bẹn, khuỷu tay.
Ngoài tắm, bé cần ăn đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng. Khi có các dấu hiệu nặng như ban nổi khắp người, khó thở, sốt cao không hạ, tiêu chảy nhiều lần trong ngày... gia đình nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Gia đình không nên điều trị theo mẹo dân gian, hoặc chậm trễ điều trị để tránh làm bệnh nặng hơn.

Tắm là cách giúp trẻ dễ chịu, tránh nhiễm khuẩn khi mắc sởi. Ảnh: Vecteezy
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus, lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, gây ra các triệu chứng như sốt, phát ban, viêm kết mạc, viêm họng, tiêu chảy... Ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, người có bệnh nền, kháng thể suy giảm mắc sởi có thể gặp các biến chứng như tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, viêm màng não, suy hô hấp, tăng nguy cơ tử vong.
Bộ Y tế nhận định năm 2025 là năm chu kỳ của dịch sởi. Từ đầu năm đến nay, ngoài trẻ nhỏ, nước ta còn ghi nhận các trường hợp người lớn mắc bệnh. Trong đó, có 6 trường hợp tử vong.
Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine chứa thành phần phòng sởi cho trẻ em và người lớn, như: mũi sởi đơn MVVAC (Việt Nam); loại phối hợp sởi - rubella (MRVAC), hai loại phối hợp 3 trong 1: sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ) và MMR II (Mỹ). Hiện trước tình hình dịch lan rộng ở nhiều địa phương, Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine sởi từ 6 tháng tuổi, đến 9 tháng và sau 12 tháng tuổi, trẻ cần tiêm thêm ít nhất 2 mũi vaccine sởi.
Tiêm đầy đủ mũi vaccine sởi có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%. Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa cần tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine, phác đồ cách nhau một tháng. Phụ nữ cần tiêm vaccine sởi trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất ba tháng để chủ động bảo vệ thai kỳ khỏi nguy cơ mắc sởi và giúp truyền kháng thể thụ động cho con.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quảng
Quản lý Y khoa vùng 4 - miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.