Song Chun-son cho biết trước khi đào tẩu năm 2018, cô từng là công nhân trang trại vịt và làm việc cho Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên. Tới Hàn Quốc, cô vừa học để trở thành nhân viên chăm sóc cho các bệnh nhân ở viện dưỡng lão, vừa làm bồi bàn bán thời gian.
Nhưng đó là trước khi các nhân viên phản gián Hàn Quốc nắm được thông tin về quá khứ của Song. Khi ở Triều Tiên, cô từng tham gia vào nỗ lực thuyết phục người đào tẩu Triều Tiên đang ở Hàn Quốc trở về nước. Hàn Quốc hồi tháng 5 bắt Song với cáo buộc giúp đỡ Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên.
Trường hợp của Song mang đến cái nhìn hiếm hoi về cuộc chiến phản gián bí mật giữa Seoul và Bình Nhưỡng, cũng như ảnh hưởng của nó với những người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc như cô.
Triều Tiên được cho là luôn muốn đưa những người đào tẩu ở Hàn Quốc trở về nước bằng mọi cách, nhưng giới chức phản gián Hàn Quốc cũng quyết tâm ngăn chặn hành động này, sàng lọc cẩn thận những người đào tẩu mới đến để bắt bất kỳ ai được cho là có liên quan tới nỗ lực trên.
Tuần trước, tòa án ở thành phố Suwon, phía nam thủ đô Seoul, kết án Song ba năm tù. Thay vì tận hưởng cuộc sống mới ở Hàn Quốc, Song phải ngồi sau song sắt, mắc kẹt trong cuộc chiến phản gián giữa quê hương cũ và nơi ở mới của cô.
Hơn 33.800 người Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc kể từ những năm 1990. Nhưng trong thập kỷ qua, ít nhất 28 người trong số họ đã quay về quê hương. Làm thế nào và tại sao họ lại trở về là một bí ẩn lớn.
Triều Tiên đã tổ chức các cuộc họp báo để những người trở về mô tả họ đã may mắn ra sao khi thoát khỏi "địa ngục trần gian" ở Hàn Quốc.
Song đã khai trước tòa về con đường cô đến Hàn Quốc. Là người gốc Onsong, một thị trấn Triều Tiên gần biên giới Trung Quốc, Song từng làm công việc môi giới, giúp những người đào tẩu ở Hàn Quốc chuyển tiền mặt cho người thân ở Triều Tiên.
Năm 2016, Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên phát hiện công việc bất hợp pháp của Song và yêu cầu cô hợp tác với các đặc vụ để chuộc lỗi. "Chị ấy phải hợp tác để sống sót, không còn lựa chọn nào khác", em gái Song, Chun-nyo, người đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2019, cho biết.
Trong phiên tòa hôm 23/11, chủ tọa Kim Mi-kyong đã bác đơn kháng cáo của Song, cho rằng cô đã hợp tác với tình báo Triều Tiên vì lợi ích cá nhân.
Song thừa nhận đã cung cấp cho Yon Chol-nam, nhân viên an ninh Triều Tiên, số điện thoại của một người Triều Tiên đào tẩu ở Hàn Quốc mà cô quen khi làm môi giới chuyển tiền. Cô cũng thừa nhận đã gọi điện cho người này để nhờ anh ta giúp đỡ Yon, nói dối rằng Yon là chồng cô và đang hỗ trợ các gia đình Triều Tiên kết nối với người thân ở Hàn Quốc.
Các công tố viên cho hay với sự giúp đỡ của người mà Song quen, Yon đã tìm được ba người đào tẩu khác ở Hàn Quốc. Yon cố gắng thuyết phục họ về nước bằng cách cho họ nói chuyện với người thân qua điện thoại.
Kang Chol-woo, một trong ba người đào tẩu này, năm 2016 cùng bạn gái, cũng là người Triều Tiên đào tẩu, quay về nước qua ngả Trung Quốc và sau đó xuất hiện trên truyền hình quốc gia Triều Tiên.
Triều Tiên gọi những người đào tẩu là "kẻ phản bội", nhưng các kênh truyền hình lại thường xuyên phỏng vấn người thân của họ. Các thành viên gia đình rơi nước mắt kêu gọi họ trở về, khẳng định mọi sai lầm đều sẽ được tha thứ.
Tháng 8/2016, Song được Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên cử đến Trung Quốc để theo dõi những người Triều Tiên rời bỏ quê hương và các nhà truyền giáo đã giúp họ đào tẩu. Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên đã đặt cho Song mật danh "hoa cúc". Nhưng hai năm sau, Song quyết định đào tẩu, chạy sang Hàn Quốc. Song khẳng định đã khai rõ với Hàn Quốc những việc cô đã làm ở Triều Tiên.
"Cô ấy nghĩ mình đã an toàn sau khi được thả khỏi trung tâm thẩm vấn để có một cuộc sống mới ở Hàn Quốc", Park Heon-hong, luật sư của Song, nói.
Nhưng cuối cùng, Song bị bắt và lĩnh án tù. Từ năm 2009 đến 2019, các quan chức phản gián Hàn Quốc bắt ít nhất 14 người Triều Tiên nhập cảnh vào Hàn Quốc với tư cách là người đào tẩu, cáo buộc họ vào nước này nhằm thực hiện các nhiệm vụ gián điệp, trong đó có đưa người đào tẩu trở lại Triều Tiên.
Tuy nhiên, cơ quan phản gián Hàn Quốc cũng từng bị cáo buộc ngụy tạo bằng chứng trong quá trình săn lùng gián điệp Triều Tiên. Năm 2016, Hàn Quốc thông báo tiếp nhận 12 nữ bồi bàn trẻ Triều Tiên và một nam quản lý, nói rằng họ đến đây tự nguyện và nhấn mạnh vụ đào tẩu là chiến thắng của Seoul trước Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, người quản lý sau đó nói rằng Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc đã dàn xếp với ông để đưa những cô gái này đi trái với ý muốn của họ.
"Khi đến Hàn Quốc, chị đã thú nhận những gì từng làm ở Triều Tiên để xây dựng một khởi đầu mới tại đây", Song viết trong bức thư hồi tháng 8 gửi cho em gái. "Chị bị ép làm những việc đó nhưng họ nói rằng điều này không thể giúp chị xóa tội".
"Song nghĩ rằng cô ấy đã thoát được sự kiểm soát của cơ quan an ninh Triều Tiên khi trốn sang Hàn Quốc", Jung Gwang-il, người đứng đầu No Chain, nhóm hoạt động vì người Triều Tiên đào tẩu, nói. "Nhưng điều chờ đợi cô ấy ở Hàn Quốc lại là những sĩ quan tình báo đang háo hức lập công trong cuộc chiến phản gián với Triều Tiên".
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc và Triều Tiên chưa bình luận về những thông tin này.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)