Đơn vị 46 người của Roh được coi là lực lượng tinh nhuệ, là "bộ mặt" của quân đội Triều Tiên ở khu vực biên giới với Hàn Quốc. Khi mới đến, Roh nhận thấy toàn bộ các thành viên trong đội đều cao to, trẻ và gắn kết với nhau.
Roh được chuyển tới đơn vị đáng mong ước này vào cuối mùa hè năm 2017, nhờ kỹ năng bắn súng điêu luyện và chiều cao gần 173 cm, được coi là lý tưởng đối với người Triều Tiên. Tuy nhiên, khi tham gia buổi tập bắn súng đầu tiên của đơn vị, Roh vô cùng kinh ngạc bởi không ai xuất hiện, ngoài anh. Những người khác trong đội đã đưa tiền cho cấp trên để không phải tham gia đợt huấn luyện bắn súng gian khổ.
Roh dần dần nhận ra sự khác biệt giữa mình và các thành viên khác trong đội. Anh không có tiền để được đối xử tốt hơn, thăng tiến nhanh hơn, được giảm bớt cường độ huấn luyện, thậm chí được cung cấp đủ thức ăn để không bị đói. "Tôi không nhìn thấy chút tương lai nào cho bản thân", Roh kể.
Giới chuyên gia quân sự tại Mỹ và châu Á từ lâu cho rằng quân đội Triều Tiên vẫn tồn tại một số bất cập, như các cáo buộc tham nhũng và nguồn ngân sách quốc phòng được dồn cho các chương trình hạt nhân, tên lửa, thay vì chăm lo cho binh sĩ.
Điều này đã thúc đẩy Roh đào tẩu sang bên kia biên giới. Anh nằm trong số khoảng 33.000 người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc những năm qua, từ người nội trợ, cho đến thương nhân và một số nhà ngoại giao. Lời kể của Roh về quân đội Triều Tiên tương tự những gì các cơ quan tình báo Hàn Quốc tiết lộ, mặc dù chúng không thể được kiểm chứng độc lập.
Triều Tiên duy trì một trong những lực lượng quân đội thường trực lớn nhất thế giới, với khoảng 1,2 triệu lính chính quy. Nước này dành khoảng 1/4 GDP cho chi tiêu quốc phòng, tỷ lệ cao nhất trong số 170 quốc gia mà Bộ Ngoại giao Mỹ thống kê. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của Mỹ chỉ chiếm khoảng 3% GDP.
Tuy nhiên, ngân sách dành cho những đơn vị tiền tuyến được cho là không nhiều. Roh từng hy vọng việc được cử đến phục vụ tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) sẽ đồng nghĩa với nguồn thực phẩm đầy đủ, đơn vị có quy củ và binh sĩ chỉ cần tập trung vào tập luyện. Nhưng thay vào đó, anh lại chứng kiến những vụ binh sĩ chết vì súng cướp cò, sĩ quan tìm cách biển thủ lương thực. Trong vài tháng, Roh chỉ còn nặng chưa đầy 41 kg, phải ăn nấm rừng chống đói và đã may mắn tránh được nấm độc, vốn đã khiến một số đồng đội của anh tử vong. Roh cho biết thứ duy nhất luôn đầy đủ là thuốc lá.
"Cậu không muốn thăng cấp sao?", Roh nhắc lại lời một chỉ huy từng hỏi anh, đồng thời yêu cầu một khoản tiền nằm ngoài khả năng lo liệu của Roh.
Đàn ông Triều Tiên, trừ vài trường hợp ngoại lệ, phải phục vụ trong quân ngũ ít nhất 10 năm. Họ nhập ngũ từ khi còn trẻ, một phần được cho là nhằm giáo dục lòng trung thành vững chắc với đất nước. Tuy nhiên, đó lại là thử thách khó khăn khiến một số người suy sụp. Từ năm 2016 đến 2018, 6 binh sĩ được phát hiện đào tẩu qua biên giới liên Triều.
Roh lớn lên trong điều kiện khá đầy đủ tại một thị trấn miền núi gần biên giới với Trung Quốc. Ông bà của Roh thuộc giới tinh hoa có trình độ học vấn cao ở Bình Nhưỡng. Ông của Roh thậm chí từng học cùng trường đại học với cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un. Cha mẹ của Roh từng đi làm một thời gian, nhưng cuộc sống dần trở nên khó khăn do kinh tế đình trệ, đẩy họ vào cảnh thất nghiệp.
Ước mơ gia nhập quân đội Triều Tiên của Roh càng cháy bỏng từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền hồi năm 2011. Trước khi tới DMZ, Roh từng được chọn vào một đơn vị đặc nhiệm, chủ yếu nhờ xuất thân của mình. "Cậu có nền tảng tốt đấy, đồng chí", một quan chức thuộc Bộ Các lực lượng Vũ trang Nhân dân Triều Tiên từng nói với Roh.
Tại đơn vị đặc nhiệm, Roh phải trải qua nhiều thử thách về thể chất với chế độ huấn luyện khắc nghiệt, thiếu thực phẩm và chăm sóc y tế phù hợp. Hàng ngày, Roh tham gia các buổi học chính trị củng cố lòng trung thành với đất nước.
Roh nhớ lại vào một ngày "đầy vinh dự", lãnh đạo Kim đã tới thăm căn cứ, khiến anh cảm thấy nghẹn ngào khi nhìn thấy ông lướt qua từ xa, thậm chí choáng ngợp tới mức bật khóc trong bữa tối. Tới lúc lãnh đạo Triều Tiên rời đi, Roh cùng các đồng đội hô vang "Đại tướng Kim vạn tuế!".
Sau khi được điều tới DMZ, Roh nhận lệnh tới bốc gạch tại một công trường xây nhà ăn mới. Trong lúc làm nhiệm vụ, một sĩ quan tiếp cận anh. "Cậu phải làm theo lời tôi. Tôi muốn đánh cậu thì đánh, ra lệnh cho cậu chết thì cũng phải làm theo", sĩ quan này nói.
Các binh sĩ được lệnh bốc gạch thâu đêm suốt sáng. Roh chỉ làm việc tại công trường trong ba ngày đầu tiên. Anh không có cơ hội nhìn thấy nhà ăn được hoàn thành, bởi chỉ ba tháng sau, anh đào tẩu khỏi tiền tuyến.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy Roh đưa ra quyết định táo bạo này là tình trạng tham nhũng tại DMZ. Theo lời kể của anh, các sĩ quan bán gạo cấp cho đơn vị tại một khu chợ gần đó, rồi để binh sĩ ăn cháo ngô rẻ tiền hơn. Nhiều binh sĩ có cha mẹ giữ vị trí cấp cao luôn mang theo tiền trong người để "biếu" cấp trên.
Nhiệm vụ chính của Roh là đứng gác tại một vị trí nhìn ra DMZ. Mỗi ca gác của anh kéo dài 13 giờ, nhưng đồng phục không đủ ấm giữa thời tiết lạnh cóng. Khi lên đường làm nhiệm vụ mỗi sáng, da anh nứt nẻ, trong khi lông mày phủ sương giá theo từng nhịp thở.
Những người khác tránh được nhiệm vụ đứng gác khi trời lạnh bằng cách hối lộ các chỉ huy tới 150 USD/tháng. Khoản tiền này còn giúp họ được cấp quần áo ấm hơn, mua thêm thức ăn và gọi điện về cho gia đình hàng tuần.
Tiền còn có thể mua được việc thăng cấp ngay lập tức và giúp người hối lộ không phải tập luyện, khiến Roh bị "vỡ mộng". Anh phải chứng kiến cảnh những người khác tận hưởng giấc ngủ dài hơn, ra chợ mua bánh ngọt, trong khi bản thân không thể gọi dù chỉ một cuộc về cho gia đình và dành phần lớn thời gian trong bốt canh gác.
Các tháp canh ở Triều Tiên treo nhiều bức tranh in hình máy bay Hàn Quốc, bên dưới đề rõ chủng loại, cùng ảnh binh sĩ Hàn Quốc trong bộ đồng phục để giúp lính gác nhận diện. Khi nhìn những bức ảnh trong cơn run rẩy vì lạnh, Roh tự hỏi liệu cuộc sống của họ có khác anh chút nào không.
Trong những tuần trước khi đào tẩu, Roh thường xuyên đứng gác trong tình trạng thiếu ngủ nhiều ngày. Tuy nhiên, chỉ huy ra lệnh qua tin nhắn cho anh rằng "Không được ngủ gật".
Đôi lúc Roh phải ra đồng để hoàn thành những nhiệm vụ bất khả thi, như mang về 100 trứng bọ ngựa, một vị thuốc trong y học cổ truyền Trung Quốc, trong vòng hai giờ, để các sĩ quan bán chúng. Tuy nhiên, anh vẫn phải tuân lệnh, cầm túi đi vòng quanh cánh đồng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giúp người khác trục lợi.
Các sĩ quan từng gây áp lực, buộc Roh gọi điện cho cha mẹ để xin tiền. Họ cho anh hai phút để gọi về nhà, dưới sự giám sát của một sĩ quan. Roh không thể kể bất cứ điều gì về cuộc sống nơi tiền tuyến. Chị gái anh đã gửi tiền để trả cước điện thoại. Với vài đồng xu còn sót lại, Roh quyết định mua một cuốn sổ tay và đèn pin.
Roh cho biết trong lúc anh đang phân vân liệu có nên bỏ trốn hay không, cấp trên cáo buộc anh ăn trộm bánh gạo, điều mà Roh khẳng định anh không làm. Sự việc khiến Roh bị tiểu đội trưởng đánh và phải tham gia các buổi sinh hoạt tự phê bình.
Một buổi sáng tháng 12/2017, trong lúc đi bộ tới tháp canh tại DMZ, một ý tưởng đầy kích thích, nhưng nguy hiểm, lóe lên trong đầu Roh. Anh dùng báng súng nâng hàng rào kim loại lên và bắt đầu cuộc đào tẩu qua bên kia biên giới.
Trong quá trình chạy trốn, Roh phải lội qua những vũng nước cao ngang ngực, mang theo khẩu súng trường, 90 viên đạn và hai quả lựu đạn. Sau khi đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc an toàn, Roh bị các binh sĩ phía bên kia biên giới hỏi rằng liệu anh có phải "người đào tẩu", tên gọi lần đầu tiên anh được nghe thấy, hay không.
Giờ đây, nguồn thực phẩm dành cho Roh vô cùng phong phú. Anh còn đăng ký vào một trường đại học ở Seoul và đi làm thêm mỗi cuối tuần. Mặc dù cảm thấy tội lỗi vì đào tẩu, đặc biệt khi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với gia đình mình, Roh vẫn cố gắng không chú ý quá nhiều vào những điều chưa biết, bởi nó chỉ khiến anh thêm đau đớn.
"Mỗi ngày tôi đều cố gắng quên đi", Roh nói.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)