Khi trinh sát cơ RC-135 Mỹ ngày 26/5 hoạt động trong không phận quốc tế trên Biển Đông, tiêm kích J-16 của Trung Quốc đã bay cắt mặt ở khoảng cách hơn 120 m, gây ra vùng nhiễu động không khí, theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quân đội Mỹ (INDOPACOM). Đây là cuộc chạm mặt căng thẳng mới nhất giữa hai cường quốc quân sự, dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang.
Trong tiệc tối mở đầu diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore tối 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bước đến chỗ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và bắt tay rồi trao đổi ngắn, song hai người không dự định tổ chức cuộc gặp chính thức.
Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối đề nghị về cuộc gặp, trong khi ông Austin tuần trước cảnh báo hiểu lầm "có thể vượt tầm kiểm soát" vì quân đội hai nước không liên lạc.
Việc từ chối các kênh tiếp xúc với Washington phản ánh nỗi lo lắng của Bắc Kinh về hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực, cũng như quyết tâm khiến Mỹ cảm nhận được rủi ro từ các hoạt động đó, theo giới phân tích chính trị và quân sự.
Trong cuộc họp báo ngày 31/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng Mỹ là bên có lỗi trong vụ chạm mặt giữa trinh sát cơ RC-135 và tiêm kích J-16.
"Việc Mỹ thường xuyên điều tàu chiến, máy bay để giám sát ở phạm vi gần với Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng an ninh quốc gia của chúng tôi", bà Mao nói. "Các hoạt động khiêu khích, nguy hiểm của Mỹ là nguyên nhân các vấn đề an ninh trên biển".
Wang Yiwei, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết nước này từng trao đổi, đàm phán với Mỹ sau vụ va chạm giữa máy bay hai nước ngoài khơi đảo Hải Nam năm 2001. Vụ va chạm khiến phi công tiêm kích Trung Quốc thiệt mạng, toàn bộ phi hành đoàn trên trinh sát cơ Mỹ bị bắt khi hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam, sau đó được trao trả cho Washington.
"Nếu Trung Quốc chấp nhận đối thoại và hợp tác với Mỹ, Washington sau đó có thể tiếp tục chơi trò chơi nguy hiểm này", giáo sư Wang nói. Truyền thông nhà nước và các học giả Trung Quốc cũng thường xuyên cho rằng nguy cơ va chạm tăng lên do "hoạt động do thám tầm gần của Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng thường xuyên".
Cách tiếp cận lạnh nhạt của Trung Quốc trong quan hệ với quân đội Mỹ khác hẳn thái độ sẵn sàng hợp tác trong những vấn đề khác. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào đã thảo luận về thương mại và đầu tư trong cuộc gặp cấp nội các đầu tiên của hai bên ở Washington kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị đã gặp nhau tại Vienna để đàm phán về khôi phục mối quan hệ lao dốc của hai nước.
Trong nhiệm kỳ của ông Biden, Mỹ ngày càng quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Washington liên tục chỉ trích Bắc Kinh có những hành động quyết liệt ở khu vực, trong đó có Biển Đông, khi Trung Quốc thúc đẩy yêu sách phi pháp ở vùng biển này, bất chấp phán quyết của tòa quốc tế.
Washington gần đây tăng cường thực hiện các hoạt động trinh sát và tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông. Mỹ cũng đạt thỏa thuận mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ ở những nước đồng minh như Philippines và Australia.
Việc Trung Quốc ngần ngại đối thoại về quốc phòng với Mỹ thể hiện sự bối rối của Bắc Kinh trước những kết quả của Washington trong nỗ lực tăng cường hiện diện ở châu Á, theo Michael Green, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cũng cho rằng Trung Quốc đang cảm thấy bất an trước ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
"Tôi nghĩ Trung Quốc nhận thấy có nhiều đòn bẩy hơn về kinh tế, nên họ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán cấp cao. Nhưng về mặt an ninh, bạn có thể thấy những hạn chế vì họ thiếu những đòn bẩy như vậy", ông nói.
Theo chuyên gia Green, những vụ chạm trán như của tiêm kích J-16 với máy bay RC-135 trên Biển Đông tuần trước là một phần trong tính toán của Trung Quốc nhằm làm xói mòn khả năng hoạt động của Mỹ và đồng minh trong khu vực.
"PLA dường như muốn đặt quân đội Mỹ vào trạng thái căng thẳng khi hoạt động trong khu vực, dù điều này gây ra rủi ro lớn. Tôi nghĩ Trung Quốc nhận định họ có thể xử lý rủi ro đó tốt hơn Mỹ", ông nói.
Để giảm thiểu rủi ro tính toán sai lầm, Washington đã tìm cách thúc đẩy các kênh liên lạc đáng tin cậy hơn giữa quân đội hai nước trong trường hợp khủng hoảng, gồm các đường dây nóng như Mỹ từng duy trì với Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối những nỗ lực đó.
"Quan điểm của họ về các kênh liên lạc này không giống như người Nga và Liên Xô trước đây. Họ thấy chúng mang tính chính trị nhiều hơn hiệu quả thực tế", Drew Thompson, cựu quan chức Lầu Năm Góc phụ trách vấn đề Trung Quốc và hiện là nhà nghiên cứu tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói.
Trung Quốc có quan điểm tương tự với các cuộc gặp cấp cao, khi không coi đây là cách thức hiệu quả để đàm phán, theo Thompson.
PLA nói họ coi trọng việc liên lạc với các đối tác Mỹ, nhưng cáo buộc Washington làm xói mòn lòng tin giữa hai bên. Trung Quốc chỉ trích các lệnh trừng phạt mà Washington áp với ông Lý Thượng Phúc vào năm 2018, khi ông phụ trách bộ phận mua sắm vũ khí của quân đội Trung Quốc và ký hợp đồng mua tiêm kích Su-35 cùng tên lửa S-400 từ Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 tại Nhật Bản tháng trước nói rằng ông đã xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt đó nhằm tạo điều kiện cho cuộc gặp của bộ trưởng quốc phòng hai nước, nhưng cuối cùng vẫn giữ nguyên.
"Mỹ chính là bên chịu trách nhiệm cho những khó khăn trong nỗ lực đối thoại của quân đội hai nước. Một mặt Mỹ tuyên bố muốn tăng cường liên lạc, nhưng mặt khác họ bỏ qua những lo ngại của Trung Quốc và tạo ra những trở ngại làm suy yếu nghiêm trọng sự tin tưởng giữa hai quân đội", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nói ngày 31/5.
Thanh Tâm (Theo WSJ)