Trung Quốc ngày 24/7 yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, nhằm đáp trả việc Mỹ đóng Tổng lãnh sự quán ở Houston, bang Texas. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói một số nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô hành động "không phù hợp với vị trí công việc" và gây tổn hại lợi ích của nước sở tại, song không cung cấp thông tin chi tiết.
Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô không phải cơ sở lớn nhất trong số 6 cơ sở ngoại giao Mỹ đặt tại Trung Quốc. Bên cạnh đại sứ quán ở Bắc Kinh, Mỹ có 5 lãnh sự quán ở Trung Quốc đại lục, gồm Thành Đô, Thượng Hải, Quảng Châu, Vũ Hán và Thẩm Dương. Tương tự, Trung Quốc cũng có 5 lãnh sự quán ở Mỹ bên cạnh Đại sứ quán tại Washington.
Ngoài ra, Mỹ còn duy trì Tổng lãnh sự quán cho Hong Kong và Macau, đặt tại khu Central của đặc khu hành chính Hong Kong.
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, nhỏ nhất trong 5 lãnh sự quán nước này tại Mỹ, xử lý những vấn đề lãnh sự cho các bang Alabama, Arkansas, Florida, Georgia, Louisiana, Mississippi, Oklahoma và Texas.
Trong khi đó, lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô đi vào hoạt động từ năm 1985, có 5 phòng ban và 130 nhân viên, gồm 100 người được tuyển dụng tại địa phương.
Nằm ở thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, lãnh sự quán này xử lý tất cả các vấn đề lãnh sự và ngoại giao ở khu vực phía tây nam Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, thành phố Trùng Khánh và khu tự trị Tây Tạng.
Theo giới chuyên gia, Bắc Kinh chọn đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để trả đũa nhiều khả năng là do nó không phải cơ sở quá lớn, qua đó, Trung Quốc có thể truyền đi thông điệp rõ ràng tới Mỹ nhưng không "đổ thêm dầu" vào ngọn lửa đang bùng cháy trong mối quan hệ giữa hai nước.
Khu vực lãnh sự quán ở Thành Đô phụ trách có ít doanh nghiệp và công dân Mỹ hơn các lãnh sự quán khác của Mỹ tại Trung Quốc.
"Phía Trung Quốc đang cố gắng không làm gia tăng căng thẳng quá nhanh", Li Haidong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, nhận định.
Dù các tỉnh ở phía tây nam Trung Quốc ít phát triển về mặt kinh tế hơn so với các vùng khác, chúng vẫn có ý nghĩa chính trị to lớn.
Hầu hết người Tây Tạng đều sống trong khu vực và lãnh sự quán Thành Đô là cơ sở gần nhất với thành phố Lhasa, thủ phủ khu tự trị Tây Tạng. Bắc Kinh nhiều lần từ chối yêu cầu của Mỹ mở lãnh sự quán ở Lhasa.
Năm 2013, theo tiết lộ từ cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, lãnh sự quán ở Thành Đô là một trong những cơ sở ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài có các thiết bị phục vụ cho mục đích giám sát. Bắc Kinh lúc bấy giờ phản đối và yêu cầu Mỹ giải thích.
Năm 2012, lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là nơi Vương Lập Quân, cựu cảnh sát trưởng, phó thị trưởng Trùng Khánh, chạy tới để xin tị nạn. Vương Lập Quân được coi là "cánh tay phải" của Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh, người đang thụ án chung thân vì tội tham nhũng và lạm quyền.
James Green, nhà phân tích về Trung Quốc ở Georgetown, đánh giá trong bối cảnh Washington gần đây có động thái trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng, việc đóng cửa lãnh sự quán Thành Đô "có thể truyền thông điệp tới một số người".
Giới quan sát trước đó dự đoán Bắc Kinh có thể đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán, cơ sở được mở cửa gần đây nhất. Nhưng các nhà ngoại giao Mỹ đã sơ tán khỏi Vũ Hán từ đầu năm nay vì Covid-19 và chưa quay lại suốt nhiều tháng qua.
Nỗ lực quay lại Vũ Hán làm việc của họ bị phía Trung Quốc cản trở, bởi Bắc Kinh khăng khăng cho rằng các nhà ngoại giao Mỹ cần xét nghiệm nCoV khi đến nơi, thay vì chỉ cần trình kết quả âm tính. Các nhà ngoại giao Mỹ từ chối thực hiện yêu cầu này, do lo ngại nguy cơ bị lộ ADN từ mẫu xét nghiệm với các cơ quan an ninh, tình báo Trung Quốc.
Theo Jeff Moon, tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô từ năm 2003 đến 2006, người đang điều hành một công ty tư vấn các vấn đề liên quan chủ yếu đến Trung Quốc, việc lựa chọn đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô cho thấy lựa chọn của Bắc Kinh là "tiếp tục leo thang căng thẳng với Mỹ, thay vì đình chiến hoặc xoa dịu căng thẳng".
"Nếu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Vũ Hán, mọi chuyện có lẽ sẽ chấm dứt bởi vấn đề ở Vũ Hán chỉ nằm ở việc Trung Quốc ngăn các nhà ngoại giao Mỹ quay trở lại sau Covid-19", ông nói. "Điều này có thể được giải quyết từ từ, khi căng thẳng đã hạ nhiệt".
Vũ Hoàng (Theo SCMP, CNN)