Mỹ hôm 21/7 yêu cầu Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đóng cửa trong vòng 72 giờ nhằm "bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ".
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston Thái Vĩ ngày 23/7 trong cuộc phỏng vấn với báo Politico tuyên bố từ chối thực hiện yêu cầu từ phía Mỹ, cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu Washington hủy quyết định này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/7 ra tuyên bố cho biết đã thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô. Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô mở cửa năm 1985 và phụ trách công tác lãnh sự khu vực phía tây nam Trung Quốc, gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, khu tự trị Tây Tạng và Trùng Khánh. Đây được xem là cơ sở ngoại giao có tầm quan trọng chiến lược của Mỹ bởi liên quan đến Tây Tạng. Lãnh sự quán hiện có khoảng 200 nhân viên, gồm 150 nhân viên là người Trung Quốc.
Căng thẳng mới nhất trong quan hệ Mỹ - Trung gợi nhớ tới sự việc hồi năm 2018, khi Mỹ và Nga cũng đáp trả lẫn nhau bằng hành động đóng cửa lãnh sự quán, liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury, Anh. Mỹ cáo buộc Nga đứng sau sự việc, song Moskva phủ nhận.
Để trừng phạt Nga, cuối tháng 3/2018, chính quyền Mỹ tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle. Hơn 20 quốc gia phương Tây khác cũng ra lệnh trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga để "hưởng ứng" lời kêu gọi từ phía Anh liên quan cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên Skripal.
Đáp lại, Nga tuyên bố trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây, trong đó có 60 nhân viên ngoại giao Mỹ, và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố St. Petersburg.
Đầu tháng 9/2017, Mỹ cũng từng yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở San Francisco, tòa nhà lãnh sự ở Washington và tòa nhà lãnh sự ở New York. Đây được cho là động thái đáp trả việc Moskva hồi tháng 7 yêu cầu Washington giảm 755 nhân viên ngoại giao, xuống còn 455 người, tương đương với số nhân viên ngoại giao của Nga ở Mỹ, nhằm phản ứng việc lưỡng viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt mới với Nga.
"Nó cho thấy sự xói mòn trong mối quan hệ song phương", Sergey Gladysh, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Hợp tác Mỹ - Nga, trụ sở ở Seattle, nhận xét về động thái đóng cửa lãnh sự quán lẫn nhau ở hai nước.
Tuy nhiên, việc lãnh sự quán bị đóng cửa trước hết ảnh hưởng nặng nề tới người dân. Với việc lãnh sự quán Nga ở San Francisco bị đóng năm 2017, Nga không còn lãnh sự quán nào ở Bờ Tây nước Mỹ. Vậy nên, muốn hoàn thành các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, cộng đồng người Nga ở Seattle phải bay ít nhất 4 tiếng rưỡi tới lãnh sự quán Nga gần nhất ở Houston, Texas, cách Seattle khoảng 3.000 km.
Nhưng ngoài khó khăn liên quan đến việc đi lại, điều khiến cộng đồng người Nga ở Seattle bận tâm hơn là cảm giác mất mát về sự biến mất của một cơ sở ngoại giao tồn tại đã hơn hai thập kỷ. "Chúng tôi cảm thấy như bị bỏ rơi", Gladysh nói.
Dù lãnh sự quán Nga gần nhất ở Houston, tất cả hồ sơ, giấy tờ tại các bang từng do lãnh sự quán ở Seattle quản lý, gồm cả các bang có cộng đồng người Nga tương đối lớn như Alaska và California, đều được chuyển về thủ đô Washington.
Mikhail Savvateev, phó chủ tịch tổ chức Sáng kiến Hợp tác Nga - Mỹ, hồi tháng 4/2018 nhận ra hộ chiếu Nga của mình sắp hết hạn. Bình thường, ông chỉ cần ngồi xe buýt ghé qua tòa nhà lãnh sự quán ở Seattle để gia hạn. Nhưng nay, ông phải bay tới Washington và chi hàng trăm USD để hoàn thành mọi thủ tục cần thiết.
"Nó làm mọi chuyện trở nên phức tạp", Savvateev nói. "Nếu giấy tờ chẳng may không thuận lợi sẽ là một vấn đề lớn".
Với nhiều người Nga ở Mỹ, tòa nhà Samuel Hyde, địa điểm từng là nơi lưu trú của các nhà ngoại giao Nga ở Seattle, là một trung tâm cộng đồng. Đây là nơi những người Nga trẻ tuổi có thêm hiểu biết về quê hương và là nơi những cựu binh Nga từng chiến đấu ở Mặt trận phía Đông hay sống sót qua trận Leningrad được tôn vinh.
Những người Nga cao tuổi không biết sử dụng máy tính hay điện thoại thông minh tìm đến lãnh sự quán để có thêm thông tin và khi nó biến mất, việc cập nhật các sự kiện hay những thay đổi mới đối với họ dường như là điều bất khả thi, Yelena Mushkatina, giám đốc phụ trách chăm sóc lão khoa tại trung tâm y tế Jewish Family Services, cho hay.
Lãnh sự quán đóng cửa đồng nghĩa họ cũng mất đi "sự chăm sóc về tinh thần", Mushkatina nói thêm.
Vũ Hoàng (Theo Seattle Times, NYTimes, Washington Post)