Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã chỉ trích Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), vì không sản xuất đủ dầu và khiến người Mỹ tốn chi phí nhiên liệu. Trump từng gọi OPEC là "kẻ độc quyền" cần phải giải tán. "Họ đang móc túi đất nước chúng ta", ông viết trên Twitter tháng 11/2012.
Kể từ khi đắc cử, ông cũng liên tục chỉ trích OPEC vì khiến giá dầu tăng cao, gây thiệt hại cho người Mỹ. "OPEC, làm ơn thư giãn chút đi. Thế giới không thể chấp nhận tăng giá đâu", ông viết trên trang cá nhân vào tháng 2/2019.
Tuy nhiên, hiện tại, thay vì chỉ trích OPEC vì giảm sản xuất theo kiểu giả tạo, Trump lại đang thúc giục họ làm điều này. Và thay vì kêu gọi OPEC giải tán, Trump lại đề cao vị thế của tổ chức này bằng cách khuyến khích họ ngăn đà lao dốc của giá dầu. Giá dầu giảm đang châm ngòi cho làn sóng phá sản và sa thải tại bang Texas cũng như toàn ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. Hiện mỗi thùng Brent và WTI lần lượt dao động quanh 34 USD và 28 USD.
Trump thậm chí còn thảo luận với các lãnh đạo Saudi Arabia và Nga, đề xuất một thỏa thuận cho hai nước này để chấm dứt cuộc chiến giá dầu, bằng cách giảm sản lượng ở mức khổng lồ. Dòng tweet của Trump về việc này hôm thứ năm đã giúp giá dầu tăng 25% - mạnh nhất lịch sử.
"Việc Trump can thiệp vào vấn đề này là rất đáng ngạc nhiên", Helima Croft – Giám đốc Chiến lược Hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets cho biết trên CNN, "Đó là sự thay đổi 180 độ. Suốt nhiều năm, Trump ghét việc các nước sản xuất dầu lập nhóm với nhau và luôn muốn tống khứ OPEC".
Việc này cũng phản ánh sự thay đổi về chính trị. Đại dịch đang khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11. Việc ngành dầu mỏ Mỹ xuống dốc trong thời gian dài sẽ khoét sâu nỗi đau kinh tế, đặc biệt tại các bang mà đảng Cộng hòa của ông Trump cần dựa vào.
"Phép tính chính trị đã thay đổi. Donald Trump không thể tái đắc cử mà không có Texas. Chỉ đơn giản thế thôi", Greg Valliere – chiến lược gia chính sách tại AGF Investments cho biết. Texas hiện là bang sản xuất dầu lớn nhất tại Mỹ. Trên thực tế, sản lượng của bang này lớn hơn tất cả quốc gia trong OPEC, trừ Saudi Arabia.
Tuy nhiên, Texas giờ đang bị hủy hoại vì giá dầu rẻ. Tháng trước, Nga từ chối tham gia thỏa thuận giảm sản lượng cùng OPEC, nhằm kiềm chế các hãng sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Saudi Arabia sau đó đáp trả bằng cách hạ giá bán dầu và tăng sản lượng.
Trước tình hình khẩn cấp, Trump hôm qua đã họp với CEO ExxonMobil, Chevron và nhiều doanh nghiệp dầu mỏ hàng đầu của Mỹ để thảo luận vấn đề này. Dù vậy, đây là tình huống tiến thoái lưỡng nan. Nhà Trắng không muốn các hãng dầu phá sản và sa thải nhân viên hàng loạt. Nhưng Trump cũng không muốn bị coi là giúp các CEO hãng dầu và Saudi Arabia hưởng lợi trong khi người tiêu dùng Mỹ muốn giá xăng rẻ.
Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận sự thay đổi quan điểm này. "Chúng ta luôn phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Trước khi Mỹ trở thành quốc gia sản xuất dầu hàng đầu, tôi vẫn luôn ủng hộ những người có xe và phải bơm xăng. Nếu giá quá cao, tôi vẫn sẽ phản đối OPEC", ông phát biểu hôm 20/3.
Hiện tại, giá dầu giảm đang gây ra biến động thực sự trong ngành dầu mỏ Mỹ. Whiting Petroleum – ngôi sao đang lên của ngành dầu đá phiến, tuần này trở thành nạn nhân đầu tiên khi nộp đơn xin phá sản. Đây được coi là sự mở đầu cho làn sóng phá sản tại các hãng dầu mỏ Mỹ. Buddy Clark – đồng giám đốc mảng dầu mỏ tại hãng luật Haynes and Boone dự báo gần 100 hãng dầu khí Mỹ có thể phá sản trong một năm tới.
Đó có thể còn là dự báo lạc quan. Con số mà Rystad Energy tuần này đưa ra lên tới 140, nếu giá dầu đứng ở mức 20 USD một thùng. Và năm sau, số nạn nhân có thể lên 400.
Các hãng dầu lớn cũng đang thu hẹp hoạt động. Occidental Petroleum giảm 86% cổ tức và hạ lương toàn công ty. Chevron giảm sản xuất và chi tiêu, hy vọng tránh được lần giảm cổ tức đầu tiên kể từ Đại suy thoái.
"Chúng ta đang có một ngành dầu mỏ rất tuyệt. Và nó đang bị hủy hoại", Trump cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ tư, "Chúng ta không muốn mất các công ty dầu tuyệt vời đâu".
Cuộc tranh luận hiện tại là liệu Mỹ có nên can thiệp vào cuộc chiến giá dầu không và bằng cách nào. Một số hãng dầu độc lập đã thúc giục Texas giảm sản xuất lần đầu tiên trong hơn 40 năm. Ryan Sitton - ủy viên Ủy ban Đường sắt Texas – cơ quan quản lý năng lượng bang này hôm thứ năm thậm chí đã phải gọi điện cho bộ trưởng năng lượng Nga để bàn bạc các lựa chọn.
"Dù là đối thủ cạnh tranh, chúng tôi đồng ý rằng Covid-19 đòi hỏi mức độ hợp tác quốc tế chưa từng có", ông cho biết trên trang cá nhân. Sitton cũng khẳng định sẽ sớm nói chuyện với bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia.
Tỷ phú dầu mỏ Harold Hamm và nhiều người khác đang thúc giục Trump áp thuế nhập khẩu nhằm trừng phạt Nga và Saudi Arabia vì châm ngòi cuộc chiến dầu thô. Dù vậy, Viện Dầu mỏ Mỹ cho rằng Trump không nên can thiệp vào thị trường tự do. Trump đến nay vẫn chỉ có các bước đi rất thận trọng, trong đó có việc chỉ đạo Bộ Năng lượng Mỹ tận dụng thời kỳ giá rẻ để tăng mua tích trữ dầu thô.
OPEC đến nay vẫn ám chỉ sẽ không hạ sản lượng nếu các nước khác không tham gia. Thứ hai tuần sau, nhóm này sẽ họp khẩn cấp trực tuyến với Nga và các nước khác. Dù danh sách khách mời chưa được công bố, Mỹ, Canada và Mexico có thể sẽ được mời.
Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ cắt giảm sản xuất thế nào. Sản lượng tại Mỹ được kiểm soát bởi hàng nghìn công ty khác nhau. Và họ đều có quyền cạnh tranh vì lợi ích của mình.
Hà Thu (theo CNN)