Đơn phá sản của Whiting đã được lãnh đạo doanh nghiệp này nộp toà án cách đây 2 ngày. Nhiều công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ đang đối diện áp lực nợ lớn nhất từ trước đến nay khi giá dầu lao dốc thảm khốc.
Whiting là một trong những công ty dầu mỏ đá phiến lớn nhất của Mỹ hoạt động tại khu vực Bakken ở Bắc Dakota. Doanh nghiệp này đã chịu áp lực tài chính lớn trước khi giá dầu thô Mỹ sụp đổ.
Giải trình tại toà hôm thứ tư, Brian Schartz- luật sư của Whiting cho biết, công ty vẫn thực hiện các nghĩa vụ trả nợ thông qua đàm phán hoán đổi nợ bằng vốn chủ sở hữu với các chủ nợ.
Một mỏ khai thác của Whiting tại khu vực Bắc Dakota. Ảnh: Bloomberg |
Thị trường dầu đang chịu sức ép kép, khi nhu cầu giảm mạnh vì đại dịch, còn nguồn cung lại tăng cao do Nga và Saudi Arabia tăng sản xuất. Giá dầu giảm sâu đã đẩy nhiều công ty dầu mỏ đá phiến của Mỹ đến bờ vực phá sản bất chấp những nỗ lực tái cấu trúc hoạt động của họ.
Lịch sử cho thấy áp lực dầu giá rẻ tràn ngập của Saudi Arabia hồi năm 2015 đã buộc ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ phải hạ giá hòa vốn từ 65 USD về 46 USD một thùng.
Ước tính, nếu suy thoái dầu mỏ vẫn diễn ra, các doanh nghiệp dầu mỏ Mỹ có thể phải gánh khoản nợ hơn 32 tỷ USD, lãi suất 17%, trong khi mức lãi trước đây chỉ 7%.
Giá dầu thô Mỹ hiện đã giảm xuống dưới 20 USD một thùng, bằng 1/3 so với mức giá 60 USD hồi tháng 1. Giới phân tích nhận định, nếu giá dầu tiếp tục đi xuống, lịch sử sẽ lặp lại và nhiều doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến quy mô nhỏ và độc lập của Mỹ sẽ phải nộp đơn phá sản vì không đủ sức "gánh" các khoản vay ngân hàng.
Lúc này, theo Shawn Reynold – Giám đốc danh mục đầu tư Quỹ đầu tư VanEck, các doanh nghiệp dầu mỏ Mỹ không còn cách nào khác là phải cơ cấu lại khoản vay. "Hầu như không có bất cứ điều gì có thể làm ngoài lúc này, ngoài việc cơ cấu lại nợ", Reynold nói.
Buddy Clark, một đối tác và đồng chủ tịch của nhóm thực hành năng lượng, cho biết các vụ phá sản ở mảng dầu của Mỹ sẽ tăng trong quý II khi một số giếng dầu buộc phải dừng hoạt động. Trong khi đó, cầu dầu mỏ giảm và thế giới đã hết sạch kho trữ dầu.
Anh Minh (theo WSJ)