Hôm qua, dầu thô Brent tăng 13,9% lên 34,11 USD một thùng. Chốt tuần, loại dầu này tăng 36,8% - mạnh nhất lịch sử.
Dầu thô Mỹ WTI tăng 11,93% lên 28,34 USD một thùng. Mức tăng cả tuần của WTI là 31,8% - cũng mạnh nhất từ trước đến nay.
Thị trường đi lên từ thứ năm, với phiên tăng ngày mạnh nhất lịch sử, nhờ triển vọng các nước giảm sản xuất 10% - 15% nguồn cung thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Nga và Saudi Arabia sẽ đàm phán để chấm dứt cuộc chiến giá dầu, vốn khiến giá giảm hơn 50% tháng trước. Ông cũng cho biết Mỹ vẫn chưa đồng ý giảm sản lượng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã lên kế hoạch họp khẩn vào thứ hai tới. Khả năng cắt giảm 10 triệu thùng dầu mỗi ngày có thể được thông qua. "Các nỗ lực ngoại giao rõ ràng đã tăng tốc chỉ trong một đêm. Và khả năng cắt giảm cũng cao hơn. Có vẻ quy mô giảm sản xuất đang tăng lên", Robert McNally – Giám đốc Rapidan Energy Group nhận xét.
Moskva và Washington vẫn chưa có cam kết chắc chắn về việc cắt giảm sản lượng. Hôm 3/4, Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến có cuộc gặp với các hãng sản xuất dầu hàng đầu mỗi nước. Luật Mỹ cấm các hãng hợp tác hạ sản lượng.
Dù vậy, kể cả việc giảm sản xuất mạnh tay cũng khó giảm dư cung nhiều, do nhu cầu đang rơi tự do vì đại dịch. Lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết nếu OPEC và các đồng minh giảm sản xuất 10 triệu thùng mỗi ngày, tồn kho dầu toàn cầu vẫn sẽ tăng 15 triệu thùng trong quý II.
"Sẽ có những rào cản khổng lồ với việc đạt thỏa thuận về mức cắt giảm lớn như vậy. Mà kể cả nếu nó được thực hiện, thị trường vẫn sẽ dư cung trong ngắn hạn", Harlan Matthews tại Redburn Energy nhận định.
Tỉnh Alberta của Canada – nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới – cho biết sẵn sàng tham gia thỏa thuận giảm dư cung toàn cầu. Bộ trưởng Năng lượng Mexico Rocio Nahle thì nói rằng họ không có kế hoạch giảm sản xuất tại hãng dầu quốc doanh Pemex.
Hà Thu (theo Reuters)